Đó là những thông tin được ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin đến các nhà đầu tư tại “Hội thảo Xúc tiến đầu tư về Quảng Nam” do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam tổ chức tại TPHCM vào chiều ngày 20/7, với hơn 150 doanh nghiệp tham dự . Theo ông Lê Văn Dũng, thời gian qua, Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành phố của Việt Nam được các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin cậy. Quảng Nam là một trong số ít địa phương của cả nước có đầy đủ hệ thống hạ tầng giao thông như sân bay, cảng biển, đường sắt, quốc lộ, cao tốc; có 2 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu Đền tháp cổ Mỹ Sơn; có 2 khu kinh tế bao gồm Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, 14 Khu công nghiệp và 115 Cụm công nghiệp đã được quy hoạch theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay tỉnh đã thu hút 1.164 dự án đầu tư trong nước đang còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 233.163 tỷ đồng; 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD (xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư nước ngoài). Kết quả thu hút đầu tư đã giúp cho kinh tế Quảng Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô và tiềm lực kinh tế. Quy mô nền kinh tế hiện nay xếp 26/63 tỉnh, thành phố cả nước với gần 59 nghìn tỷ đồng (xếp thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung). Hoạt động xuất khẩu năm 2023 xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD. Nguồn nhân lực dồi dào, phát triển về cả số lượng và chất lượng, mục tiêu đến năm 2030 quy mô lực lượng lao động của tỉnh đạt trên 77 nghìn người.
Không thỏa mãn với kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Nam hướng đến tương lai với một khát vọng “Đổi mới, Hội nhập và Phát triển” mạnh mẽ. Tinh thần đó đã được thể hiện rõ nét trong quyết tâm, định hướng của tỉnh tại Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024. Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh là phát triển nhanh và bền vững với 4 khâu đột phá, gồm: hoàn thiện hệ thống hạ tầng; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao nguồn nhân lực và phúc lợi xã hội và nâng cao năng lực khoa học công nghệ. Đồng thời, tỉnh cũng đề ra danh mục dự án ưu tiên đầu tư nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực để hiện thực khát vọng phát triển. "Chúng tôi cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình nghiên cứu, đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mong muốn doanh nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, giải pháp mới mang tính đột phá trên những lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh. Từ đó, góp phần từng bước cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh nói chung và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nói riêng” – Chủ tịch Lê Văn Dũng nhấn mạnh. Tại hội thảo, ông Đỗ Xuân Diện, Chủ tịch Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam (QNB) cho biết, Quảng Nam có sân bay, bến cảng, du lịch. Đây là lợi thế để doanh nghiệp đầu tư không chỉ 5 năm, 10 năm mà phải 30 năm để đưa quê hương phát triển mạnh mẽ. QNB cam kết sẽ là cầu nối để đưa nhiều nhà đầu tư đến Quảng Nam, không chỉ đưa những "con sếu" đầu đàn đến mà phải đưa cả "đàn sếu" đến xây dựng quê hương Quảng Nam giàu mạnh hơn. |