Trong 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, có 251 ngành, nghề đã quy định điều kiện, còn 16 ngành, nghề chưa quy định điều kiện đầu tư kinh doanh.
Nguyên nhân khiến 16 ngành nghề chưa có điều kiện kinh doanh là do một số ngành trước đây cấm kinh doanh hoặc là hoạt động dịch vụ công do cơ quan sự nghiệp Nhà nước thực hiện được chuyển đổi thành ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới xuất hiện, được quy định bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Bên cạnh đó, có một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại các Dự thảo Luật, Nghị định, được bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014. Tuy nhiên đến nay, các Dự thảo Luật, Nghị định này chưa được ban hành.
Nông nghiệp là lĩnh vực nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhất với với 35 ngành, nghề cùng hơn 700 điều kiện kinh doanh. Kế đến là lĩnh vực công thương với khoảng 28 ngành, nghề cùng khoảng 900 điều kiện kinh doanh. Đây cũng là những lĩnh vực lớn, bao quát và có ảnh hưởng rộng đến đời sống xã hội.
Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định các điều kiện đầu tư kinh doanh bao gồm: 6 hiệp định, 72 luật, 8 pháp lệnh, 149 nghị định, 176 thông tư, 26 quyết định. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.
Như vậy, có 202 văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái thẩm quyền. Cũng theo quy định của Luật Đầu tư thì các văn bản này sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016.
Điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp để thay thế các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh tại các văn bản trái thẩm quyền.