Luật sư Châu Việt Bắc chia sẻ với các doanh nghiệp. Ảnh: L.T |
Nội dung trên được lãnh đạo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị Tập huấn “Quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh” do đơn vị này phối hợp với Trung tâm Xúc Tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố (ITPC) tổ chức ngày 31/5.
Theo Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy mở rộng sản xuất kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Số liệu thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho thấy, trong năm 2023 có 427 vụ tranh chấp hợp tác kinh doanh, tăng so với 292 vụ của năm 2022. Các lĩnh vực tranh chấp chủ yếu bao gồm mua bán hàng hóa, xây dựng, tài chính ngân hàng và thương mại.
Trong bối cảnh hợp tác sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển và tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các vấn đề rủi ro pháp lý mà doanh nghiệp phải đối mặt ngày càng gia tăng.
Các trọng tài quốc tế đã hướng dẫn doanh nghiệp về thực hiện về hợp đồng hợp tác kinh doanh và một số yếu tố cần chú ý; đàm phán, xây dựng và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Việc tập huấn quản lý hợp đồng và giải quyết tranh chấp hiệu quả trong hoạt động hợp tác kinh doanh nhằm trang bị cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những kỹ năng nhận diện, phòng ngừa và giải quyết các rủi ro pháp lý.
Đồng thời, chương trình cũng cung cấp thông tin về các thay đổi trong bối cảnh, chính sách và môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình phòng ngừa rủi ro pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh.