Đàm phán lâu nay vẫn được coi là một lựa chọn đối với tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Trước khi nhậm chức hồi tháng 5/2017, ông Moon đã tuyên bố sẽ gặp Kim Jong Un "khi các điều kiện tiên quyết để giải quyết vấn đề hạt nhân được đảm bảo”. Liệu chính sách đối thoại này có hiệu quả? Ngay lúc này chưa thể nói được điều gì, song việc ông Moon thúc đẩy chính sách này xuất phát từ ba lý do chính.
Thứ nhất, bất cứ một cuộc xung đột quân sự nào với Triều Tiên cũng sẽ là thảm họa đối với Hàn Quốc. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ cách Khu phi quân sự Triều Tiên (DMZ) 30 dặm (48km). Khoảng 25 triệu người dân thành phố này nằm trong tầm pháo của Triều Tiên. Nếu Triều Tiên quyết định dùng các vũ khí này, có thể gây thiệt hại lớn chỉ trong thời gian rất ngắn. Tồi tệ hơn, Triều Tiên hiện có vũ khí hạt nhân mà nước này chắc chắn có thể gắn vào các tên lửa bắn tới Hàn Quốc, làm gia tăng mức độ phá hoại của xung đột. Nhiều loại vũ khí hạt nhân này đang được giấu kín, đồng nghĩa với việc một cuộc tấn công phủ đầu chưa chắc sẽ vô hiệu hóa được chúng.
Thứ hai, các lệnh trừng phạt xem ra không làm thay đổi được hành vi của Triều Tiên. Đúng là các lệnh trừng phạt đã đóng một vai trò nào đó trong việc đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán về một hiệp ước vũ khí hạt nhân. Song đối với Triều Tiên mọi việc hoàn toàn khác. Nhiều lệnh trừng phạt đã được áp đặt trong nhiều năm qua nhưng nước này dường như càng quyết tâm theo đuổi chương trình vũ khí hơn. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên ngày càng giỏi né tránh các hạn chế về kinh tế áp đặt đối với họ, thường xuyên sử dụng các mạng lưới phi pháp để thực hiện các hoạt động buôn bán. Các lệnh trừng phạt xem ra vẫn là lựa chọn được Mỹ ưa thích. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang hy vọng gia tăng tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt bằng cách thức sáng tạo hơn – như nhằm vào các công ty và cá nhân của Trung Quốc có quan hệ buôn bán với Triều Tiên, hay nhằm vào các nước nhỏ hơn như Sudan hiện vẫn có quan hệ kinh tế với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, vẫn khó mà tưởng tượng được rằng Trung Quốc hay Nga sẽ hoàn toàn nhất trí với việc gia tăng thêm áp lực kinh tế. Ông Moon vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt và đã đề xuất nên có thêm các lệnh trừng phạt mới khi gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin ngay sau vụ phóng tên lửa ngày 4/7. Song ông cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ của Seoul với Bắc Kinh, hiện đang rất căng thẳng do việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc mà Trung Quốc coi là một mối đe dọa đối với mình.
Thứ ba, các cuộc đàm phán trước đã đạt được một số kết quả. Ông Moon không phải là lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên tìm kiếm đối thoại với Triều Tiên. Hai người tiền nhiệm theo trường phái tự do là Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun đã thực hiện “Chính sách Ánh dương” trong những năm 1998-2008. Chính sách này được thiết kế nhằm làm dịu lập trường của Seoul đối với Bình Nhưỡng, khuyến khích sự tương tác chính trị và những thỏa thuận kinh tế. Ông Moon biết rõ chính sách này bởi ông đã là người chỉ đạo chiến dịch tranh cử cho ông Roh và là một trợ tá thân cận khi ông này lên nắm quyền. Sau một thập kỷ nỗ lực hòa giải, nhiều người coi “Chính sách Ánh dương” là một thất bại. Song hiện nay, sau một thập kỷ thực thi một chính sách mới, mạnh tay hơn mà vẫn không thể kiềm chế được sự chống đối của Bình Nhưỡng, một số người cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại tinh thần của "Chính sách Ánh dương".
Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy gần 76,9% người Hàn Quốc ủng hộ nối lại đối thoại liên Triều. Chưa rõ họ sẽ cảm nhận ra sao nếu Seoul đề xuất quá nhiều nhượng bộ hay Triều Tiên không thực hiện đúng những thỏa thuận hay hành xử hiếu chiến. Mặc dù vậy, nhiều người Hàn Quốc theo phái tự do dường như cảm nhận rằng đàm phán vẫn là lựa chọn tốt nhất.