Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát (ấp Tân Long B,ưalướiThuậnPhtHnhtrnhđạtchuẩtỷ lệ kèo u23 châu á xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) là hợp tác xã dưa lưới đầu tiên ở Hậu Giang được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đây là niềm tự hào và là bài học kinh nghiệm quý báu để đưa nông sản Hậu Giang vươn xa... Trao chứng nhận GlobalGAP cho Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát. Hướng đến tiêu chuẩn từ ban đầu Năm 2014, mô hình trồng dưa lưới lần đầu tiên xuất hiện tại Hậu Giang. Trước khi trồng thử nghiệm loại trái cây này, ông Võ Văn Trưng, ở ấp Tân Long B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng dưa lưới ở nhiều địa phương như Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Đồng Nai, Bình Thuận. Nhận thấy đây là một sản phẩm tương đối mới, giá cả ổn định và có thể áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên ông đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Tháng 10-2019, Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát được thành lập với 10 thành viên và 2ha trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao. Ngay từ ban đầu, hợp tác xã đã tập sự trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là tiền đề quan trọng để hợp tác xã làm quen với các tiêu chuẩn, không bỡ ngỡ khi tiến hành xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo ông Trần Kim Thanh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ NHONHO: “Để đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, người nông dân cần làm quen với việc sản xuất theo các tiêu chuẩn nhất định. Điều này sẽ giúp họ dần thay đổi tư duy sản xuất truyền thống để làm quen với phương thức sản xuất mới. Tiêu chuẩn GlobalGAP là tiêu chuẩn cao nhất trong nền nông nghiệp hiện đại, nếu đạt được tiêu chuẩn này sẽ giúp sản phẩm mà người nông dân làm ra được chấp nhận ở cả những thị trường khó tính nhất”. Từ tháng 8-2019 đến tháng 6-2021, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Hậu Giang đã chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”. Dự án đã khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên và vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Từ đó, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình trồng dưa lưới đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cho hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát. Tự tin đưa sản phẩm vươn xa Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là hợp tác xã dưa lưới đầu tiên tại Hậu Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã nói riêng và Hậu Giang nói chung vươn xa. Theo ông Trần Trung Nhiệm, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phụng Hiệp: “Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là mô hình sản xuất triển vọng của huyện, được huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án. Việc đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã làm tăng sức mua cho sản phẩm dưa lưới của huyện, giúp tăng thu nhập, giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện”. Từ khi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm dưa lưới của hợp tác xã ngày càng có nhiều triển vọng. Không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm, hợp tác xã còn có cơ hội mở rộng thị trường. Hiện tại, một số đối tác đã tiến hành đàm phán với hợp tác xã để được cung ứng nguồn sản phẩm cho các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Chia sẻ về định hướng sắp tới, ông Võ Văn Trưng, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Trong 5 năm nữa, hợp tác xã định hướng phát triển thành viên gấp đôi so với ban đầu. Bên cạnh việc tìm kiếm, mở rộng thị trường, hợp tác xã sẽ duy trì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, giữ vững tiêu chuẩn GlobalGAP và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác”. Hợp tác xã dưa lưới Thuận Phát là một điểm sáng trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, từng bước thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp Hậu Giang. GlobalGap (Global Good Agricultural Practice) là thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là một bộ tiêu chuẩn (tập hợp các biện pháp kỹ thuật) về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) trên phạm vi toàn cầu. GlobalGAP có 252 tiêu chuẩn, bao gồm 36 tiêu chuẩn bắt buộc phải tuân thủ 100%, 127 tiêu chí có thể tuân thủ đến mức 95% cũng được chấp nhận và có 89 kiến nghị khuyến cáo nên thực hiện. |
Bài, ảnh: ĐANG THƯ |