Cụ thể, lãi ròng của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ đạt 865,3 tỷ đồng, giảm khoảng 8,71% so với cùng kỳ 2011. Sự sụt giảm này chủ yếu do thu nhập lãi thuần trong quý II đã giảm hơn 220 tỷ đồng (8,5%), lãi từ dịch vụ cũng giảm 1,7%. Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng nhẹ 4,8% so với cùng kỳ 2011. Tuy nhiên, do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong 6 tháng lên tới 2.039 tỷ đồng, chiếm gần một nửa lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này, nên lãi sau thuế của Vietcombank đã giảm tới 5,57% so với nửa đầu năm 2011.
Mức giảm mạnh nhất rơi vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), lãi ròng của Vietinbank trong quý II năm nay chỉ đạt 565 tỷ đồng, giảm tới gần 705 so với mức 1.848 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ngân hàng này giảm tới 28% so với nửa đầu năm 2011, chỉ đạt 1.959 tỷ đồng.
Tương tự vậy, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng giảm 2,7%, đạt 1.392 tỷ đồng, ngân hàng TMCP Nam Việt giảm 4%, đạt 91,5 tỷ đồng.
Cùng với sự sụt giảm về lợi nhuận, theo BCTC của nhiều ngân hàng, các khoản nợ xấu nằm ở nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng mạnh so với hồi đầu năm.
Cụ thể, theo Ngân hàng Vietcombank, tính đến 30-6, khoản nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này đã đạt 3.897 tỷ đồng (tăng 71% so với cuối năm 2011). Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã tăng lên mức 2,96% so với đầu năm, nhưng nợ xấu của Vietcombank cũng vẫn tăng rất mạnh lên 7.430 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 3,47%.
Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nam Việt cũng đã tăng từ mức 2,4% hồi đầu năm lên mức 3,87%, đạt 511 tỷ đồng, trong đó có tới 45% số nợ thuộc nhóm nợ có khả năng mất vốn. Các ngân hàng Vietinbank, ACB cũng có tỷ lệ nợ xấu đạt lần lượt là 2,45% và 1,53%.
Việc nợ xấu tăng mạnh đã khiến các ngân hàng đẩy mạnh trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng. Chính điều này đã khiến cho lợi nhuận của các ngân hàng giảm đang kể so với cùng kỳ 2011.
Nguyễn Hiền