Đổi mới phương pháp dạy và học được xem là khâu đột phá mà giáo dục bậc tiểu học tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Đây là nền tảng để ngành giáo dục tỉnh nhà tiếp tục gặt hái kết quả trong năm học mới.
Giờ học tiếng Việt lớp 1 của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.
Ông Bùi Đức Quang,ỗlựcđổimớnhận định trận fiorentina Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Năm học qua, ngành đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, hiệu quả từ việc thừa hưởng các chương trình hỗ trợ như: Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (gọi tắt là SEQAP), mô hình Trường học mới Việt Nam (gọi tắt là VNEN), dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”, thực hiện thí điểm chuyên đề “Dạy học tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục”... đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong giáo viên và học sinh”.
Là một trong những trường đầu tiên được tỉnh chọn thực hiện thí điểm chương trình SEQAP, Trường Tiểu học Hòa An 4, huyện Phụng Hiệp, đã có những thay đổi rõ rệt về chất lượng học tập cũng như giảm tối đa tỷ lệ học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Ông Võ Minh Luân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa An 4, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Nhờ học 2 buổi/ngày và được ăn trưa ngay tại trường nên học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn của trường có thêm thời gian dành cho việc học, các em có điều kiện nắm vững kiến thức hơn. Học sinh được nghỉ ngơi tại trường đã đảm bảo giờ giấc học tập của các em, khắc phục được tình trạng đi học trễ giờ và các em đến trường đều đặn hơn”. Được biết, Trường Tiểu học Hòa An 4 được triển khai thí điểm chương trình SEQAP vào năm học 2010-2011. Trường được đầu tư hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất khang trang hơn. Được đầu tư một nhà bếp, hỗ trợ tiền cơm trưa cho các em học sinh nghèo học bán trú tại trường. Nhờ đó mà chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt, tỷ lệ học sinh hoàn thành các môn học và hoạt động giáo dục của trường đạt trên 99% (năm học 2010-2011, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường chỉ gần 50%, có đến 0,6% học sinh yếu, kém), tỷ lệ học sinh lưu ban giảm xuống đáng kể, không còn tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Cụ thể: kết thúc năm học 2015-2016, cấp tiểu học chỉ còn 149 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,21%, giảm nhiều lần so với năm học 2010-2011. Từ những hiệu quả mang lại trong việc nâng dần chất lượng, giảm mạnh tỷ lệ học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, mà từ 8 trường được triển khai thí điểm vào năm học 2010-2011, đến nay toàn tỉnh đã có 40 trường được nhân rộng chương trình SEQAP. Cụ thể: thành phố Vị Thanh có 5 trường, huyện Vị Thủy có 6 trường, huyện Long Mỹ có 5 trường, thị xã Long Mỹ có 1 trường, huyện Châu Thành A có 5 trường, huyện Phụng Hiệp có 9 trường, thị xã Ngã Bảy có 4 trường và huyện Châu Thành có 5 trường đang triển khai thực hiện.
Đặc biệt, dù mới triển khai thực hiện thí điểm chuyên đề “Dạy học tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” chỉ mới đầu năm học qua, nhưng hiệu quả mang lại trong việc đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường tiểu học rất đáng nhân rộng. Cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, phấn khởi chia sẻ: “Từ khi triển khai thực hiện dạy thí điểm chuyên đề “Dạy học tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục” không khí lớp học rôm rả, các em học sinh hào hứng với những tiếng đọc “ê”, “a” là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bắt tay thực hiện. Thấy các em ham học, thích đọc, thích viết càng góp thêm động lực để giáo viên chúng tôi tích cực đổi mới phương pháp dạy. Bởi, thấy trẻ viết đẹp, viết đúng, đọc chuẩn là niềm hạnh phúc của người giáo viên”. Được biết, việc dạy học theo phương pháp cô làm mẫu 1 lần, trò làm theo đã thực sự tạo cho các em sự hấp dẫn với những con chữ đầu đời. Theo đó, mỗi khi giáo viên đưa tay trái ra là các em đọc âm và tay phải là vần. Khi xòe hai bàn tay ra là phân tích, gập hai bàn tay lại là tổng hợp. Cứ như thế, các em đọc và viết chữ rất nhanh và chính xác. Em Hoàng Ái Vy, học sinh lớp 1A, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, thành phố Vị Thanh, phấn khởi bộc bạch: “Học xong lớp 1, con đã biết đọc, biết viết rồi cô ơi. Về nhà con còn đọc truyện cho cha mẹ nghe, đem tập khoe chữ đẹp con viết. Con thấy cha mẹ vui lắm”. Anh Hoàng Thông, phụ huynh học sinh Ái Vy thổ lộ: “Mới đầu thấy cách đọc, cách ráp vần của con có khác so với lúc trước tôi học, nên gia đình có hơi lo lắng. Nhưng dần dần tôi thấy rất hiệu quả. Thấy con mới lớp 1 mà đọc được, viết được, gia đình tôi rất mừng”.
Được biết, hiện tại phương pháp dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục đang được triển khai thí điểm tại 42 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, với 138 lớp học. Ông Nguyễn Minh Trực, Phó trưởng Phòng Giáo dục thành phố Vị Thanh, cho biết: “Đối với giáo viên, việc tiếp cận chuyên đề này không hề đơn giản, các thầy cô phải nghiên cứu kỹ tài liệu, học hỏi từ sách báo rất nhiều. Bên cạnh đó, trước mỗi giờ lên lớp các thầy cô đều chuẩn bị dụng cụ phụ trợ cho công tác dạy học, đồng thời định hướng mục tiêu là phát huy tính chủ động, tự học, phát triển năng lực học sinh. Giảng dạy môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục không khó, nhưng rất cần sự đổi mới và sáng tạo trong phương pháp dạy”.
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, khẳng định: “Để giữ vững những kết quả đạt được, giải pháp mà ngành giáo dục đặt ra là nâng cao kỹ năng và định hướng phát triển năng lực cho học sinh, giáo viên phải tích cực sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình đang thực hiện theo hướng tích cực hiệu quả nhất có thể. Ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình VNEN, chương trình SEQAP, dạy học tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo, mở rộng áp dụng tại các trường có điều kiện…”.
Kết thúc năm học 2015-2016, chất lượng giáo dục của cấp tiểu học tiếp tục được duy trì ổn định và nâng cao hơn so với năm học 2014-2015. Cụ thể: tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình đạt 99,2% (năm học 2014-2015 là 99,18%) tăng 0,02%. Học sinh bỏ học 149/69.365, tỷ lệ 0,21% (năm qua 165, tỷ lệ 0,24%), giảm 0,03%, có trên 72% học sinh được học 2 buổi/ngày, tăng 3% so với năm qua… |
Bài, ảnh: CAO OANH