BP - Trong những ngày này,ễnTrườngTộnỗlựcđạtchuẩnquốsoi kèo israel thầy và trò Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) đã, đang gấp rút chuẩn bị lễ đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (15-11). Thành quả này là sự nỗ lực, không chỉ của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh mà còn là sự chung tay, góp sức của cấp ủy, chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh và Hội cha mẹ học sinh trong việc giáo dục, rèn luyện, xây dựng cơ sở vật chất, góp phần đưa xã đạt chuẩn tiêu chí trường học và cán đích nông thôn mới vào cuối năm nay. Từ hạt nhân của phong trào thi đua “2 tốt” Thành lập tháng 8-2004, trên cơ sở chia tách từ Trường phổ thông cấp 2-3 Lê Quý Đôn, hiện trường có 54 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 21 lớp/743 học sinh. Cô Nguyễn Thị Cúc, Phó hiệu trưởng cho biết: Nhiều năm qua, Ban giám hiệu và Hội đồng sư phạm luôn bám sát từng tiêu chuẩn để thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng phong trào dạy và học, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Điển hình như cô Nguyễn Thị Yến Trinh, giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi toán, 6 năm liền (2012-2017) có sáng kiến kinh nghiệm “Bồi dưỡng học sinh giỏi giải toán bằng máy tính cầm tay” được công nhận và áp dụng. Từ thành tích đạt được, cô vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen và đề nghị Bộ GD-ĐT tặng bằng khen. Cô Trinh cho biết: “Giải toán bằng máy tính có nhiều dạng, như toán kinh tế, truy hồi, đa thức, hình học... nhưng không có sách giáo khoa, chỉ có sách tham khảo. Muốn dạy tốt, giáo viên phải tìm tòi sáng tạo, tìm ra phương pháp cho riêng mình. Ở mỗi dạng toán, tôi đề ra phương pháp giải cụ thể, trên cơ sở đó học sinh suy ra các công thức đã được biến thể, xác định rõ dạng toán và vận dụng linh hoạt trong làm bài”. Cổng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ được xây dựng từ nguồn xã hội hóa Từ trước đến nay, học sinh và phụ huynh rất ít quan tâm đầu tư môn Địa lý. Để đạt kết quả tốt ở môn học này rất khó, nhưng với niềm đam mê và nhiệt huyết, cô Phạm Thị Định đã thu hút học sinh bằng sáng kiến kinh nghiệm “Làm đồ dùng, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Địa lý” (Phần biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa). Cô Định chia sẻ: “Cái khó của môn Địa lý là học sinh chỉ biết qua sách vở và ít được trải nghiệm thực tế. Do vậy, trong các tiết dạy, tôi thường sử dụng các thiết bị, như hình ảnh minh họa, video, clip phát trên máy tính, máy chiếu kết hợp với mô hình biểu đồ thực hành giúp tiết học không nhàm chán, giảm bớt sự trừu tượng và tạo hứng thú học tập cho học sinh”. Nhiều em được cô Định bồi dưỡng đã đạt học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh. Cô vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm học 2016-2017, trường tiếp tục ghi dấu ấn khi cô Nguyễn Thị Hoàn, chủ nhiệm lớp 8A1 được công nhận là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh. Cô Hoàn cho biết: “Vai trò của giáo viên chủ nhiệm khác hẳn với giáo viên bộ môn bởi trách nhiệm quản lý giáo dục học sinh”. Là giáo viên chủ nhiệm, lại giảng dạy môn Văn nên ngoài việc trau dồi những chuẩn mực cơ bản, cô Hoàn còn chú trọng giáo dục các em xây dựng tâm hồn trong sáng, sống có lý tưởng, hoài bão, có tình yêu thương, sẻ chia với cộng đồng. “Học sinh lớp chọn khác với lớp đại trà, đó là các em thường hay chủ quan, tự tin về khả năng, trình độ của mình. Hơn nữa, ở lứa tuổi dậy thì, các em thường có những biến đổi về tâm sinh lý nên cũng ảnh hưởng đến học tập. do vậy giáo viên chủ nhiệm phải gặp gỡ, trao đổi tế nhị, kín đáo, sâu sắc, tránh những lời nói góp ý khiến các em bị tổn thương tâm lý...” - cô Hoàn chia sẻ. Ghi nhận về tình yêu thương và trách nhiệm của cô đối với học trò, 4 năm qua, cô liên tục nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện và Sở GD-ĐT. Bên cạnh những hạt nhân tiêu biểu, năm học 2016-2017, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ có 97,5% giáo viên giỏi cấp trường, 12 giáo viên giỏi cấp huyện; 40 giáo viên đạt chuẩn về trình độ, trong đó có 30 giáo viên trên chuẩn; 51,7% học sinh đạt học lực khá, giỏi cùng 11 học sinh giỏi cấp tỉnh và 32 học sinh giỏi cấp huyện; 95,5% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt. Ban giám hiệu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các cấp quản lý đánh giá đạt loại khá trở lên. Kết quả các môn thi qua mạng có 1 huy chương đồng cấp quốc gia, 16 giải cấp tỉnh và 30 giải cấp huyện. Hiện trường cũng đã khảo sát thực tế, đánh giá và công bố kết quả kiểm định chất lượng giáo dục chu kỳ 2011-2016, kết quả đạt chất lượng cấp độ I. Đến cơ sở vật chất đạt chuẩn
Xây dựng cơ sở vật chất đạt chuẩn cũng là một trong những tiêu chí được chính quyền các cấp và trường đặc biệt quan tâm. Trong đó, UBND huyện Bù Đăng đầu tư 3,5 tỷ đồng sơn sửa các phòng học, mua sắm bàn ghế học sinh, bàn ghế trong hội trường, bảng chống lóa và trang thiết bị khác. UBND xã Đức Liễu đầu tư xây dựng khu hiệu bộ, hàng rào, khu vệ sinh từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trị giá 4,8 tỷ đồng. Hội cha mẹ học sinh vận động bổ sung tủ sách thư viện, nhà xe học sinh và cổng trường trên 300 triệu đồng... Hiện trường có khuôn viên đẹp với diện tích 10.100m2, bình quân 13,59m2/học sinh; bảo đảm số phòng học cho 21 lớp cùng phòng thí nghiệm, phòng thực hành các môn khoa học, thư viện, y tế, đặc biệt có phòng lab (phòng nghe, nhìn học tiếng Anh hiện đại). Hệ thống công nghệ thông tin kết nối internet đáp ứng yêu cầu học tập. Trường còn xây dựng website, thường xuyên thông tin các hoạt động cũng như chất lượng giáo dục, qua đó phối hợp tốt với phụ huynh trong việc quản lý học sinh. Thầy Lê Văn Long, Hiệu trưởng cho biết: Trường đã tham mưu với địa phương về thứ tự ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất với phương châm “Công trình nào ít vốn, cần thiết thì đầu tư trước”. Cùng sự đồng hành chia sẻ của Hội cha mẹ học sinh trong công tác xã hội hóa nên các hạng mục, như sân bê tông, giếng khoan nước sạch, cổng trường đều hoàn thành với chất lượng cao. Tất cả công trình xã hội hóa đều đưa vào nghị quyết, được HĐND xã phê duyệt, đảm bảo đúng mục đích, không lãng phí. Đây chính là nền tảng cốt lõi để trường tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo. Quang Minh |