Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với tình trạng suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Để khắc phục, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi kêu gọi một khoản đầu tư khổng lồ trị giá 800 tỷ euro (hơn 883 tỷ USD) mỗi năm, song cho rằng đây là một "thách thức sinh tử" đối với liên minh này. Trong báo cáo dài 400 trang trình bày tại Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), ông Draghi nhấn mạnh EU cần phải thực hiện các bước mạnh mẽ để cải thiện năng suất và tăng trưởng kinh tế, điều đang khiến EU tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc. Ông khuyến nghị phát hành nợ chung mới để tài trợ cho các dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực đổi mới, chuyển đổi xanh và quốc phòng. Cựu Chủ tịch ECB cho rằng EU cần đầu tư thêm 800 tỷ euro mỗi năm để vượt qua tình trạng trì trệ hiện tại. Đây sẽ là khoản đầu "chưa từng có" và sẽ giúp liên minh này dẫn đầu trong công nghệ mới, đồng thời đạt được nhiều mục tiêu tham vọng khác. Bên cạnh đó, ông khuyến nghị EU cần tập trung vào việc xây dựng các trung tâm đổi mới hàng đầu và phát triển công nghệ sạch. Báo cáo của ông cũng đề xuất điều chỉnh các quy tắc cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc EC phê duyệt các thỏa thuận sáp nhập trong ngành công nghệ và quốc phòng. Ông cũng cho rằng nên nới quy định quản lý đối với ngành viễn thông và hỗ trợ mở rộng ngành này thông qua việc xem xét thị trường trên toàn EU. Ông Draghi cũng nhấn mạnh rằng việc đánh giá các vụ sáp nhập nên xem xét yếu tố "đổi mới" và an ninh kinh tế. Trong báo cáo, ông còn kêu gọi EU phát hành khoản nợ chung mới để tài trợ cho các nhu cầu về công nghiệp và quốc phòng, song ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ nhiều chính phủ. Dù vậy, ngày càng có sự đồng thuận trong liên minh về việc cần cải cách ngân sách 1.200 tỷ euro (1.325 tỷ USD), với đề xuất chuyển hướng quỹ từ các khu vực nghèo hơn sang các chính sách hỗ trợ công nghiệp, số hóa và đổi mới. Trong báo cáo, cựu Chủ tịch ECB cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể đối với từng ngành, từ công nghiệp cho đến dược phẩm; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các cải cách mạnh mẽ và đầu tư lớn để đưa nền kinh tế châu Âu trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác và đồng thuận từ tất cả các chính phủ trong khối cũng như sự hỗ trợ từ các ngành công nghiệp và đầu tư tư nhân./. |