Trong khi kinh tế các nước châu Âu đang bộc lộ những dấu hiệu sa sút toàn diện thì Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang bộc lộ những yếu kém thực sự khi động lực kinh tế giảm nhanh,ếthếgiớtỉ số và tỷ lệ 2in1 tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, lạm phát đang trở lại cùng giá dầu tăng cao. Trong thời gian gần đây, nền kinh tế châu Âu đã bộc lộ những dấu hiệu sa sút toàn diện khi các "đầu tàu" như Đức, Pháp, Anh và Italia bắt đầu hứng chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa Đức với nhóm các nước “khủng hoảng nợ công” châu Âu càng trở nên gay gắt, nguy cơ giải thể khu vực đồng tiền chung châu Âu gia tăng từng ngày. Bên cạnh đó, Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tự biết rằng liều thuốc kích thích kinh tế là hết sức hạn chế, không dễ gì đưa ra một đợt QE3 (gói giải cứu thị trường thông qua công cụ của FED), cộng thêm nguy cơ “vách đá tài chính” kề cận, có thể kéo Mỹ theo gót châu Âu rơi vào suy thoái “hai đáy” trong năm tới. Kinh tế thế giới hiện đã xuất hiện nguy cơ mới. Kinh tế châu Âu sa sút toàn diện Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã kéo dài hơn 2 năm, đến nay vẫn chưa có cách giải quyết, thậm chí ngày càng trở nên trầm trọng. Tây Ban Nha và Italia hiện đang bị vùi trong cơn bão nợ công. Với mức lãi suất kỳ hạn 10 năm lên tới 7,5% - mức cao nhất trong lịch sử, Tây Ban Nha về cơ bản khó có thể gánh nổi giá thành tài chính cao như vậy, cuối cùng sẽ yêu cầu châu Âu cứu trợ hoàn toàn. Theo một số nhà phân tích, châu Âu hiện có cơ chế cứu trợ, nhưng chưa hẳn đã có đủ lực tài chính để cứu Tây Ban Nha, với tổng nợ công lên đến gần 1.000 tỷ euro. Và thị trường tài chính đến lúc đó sẽ xuất hiện những chấn động lớn. Trong những năm qua, kinh tế Đức dường như "miễn nhiễm" trước cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Nhưng theo những số liệu kinh tế gần đây, nền kinh tế lớn nhất châu Âu này cũng dần không kháng cự lại nổi "cơn sốt" khủng hoảng nợ và có thể rơi vào suy thoái cuối năm nay. Theo thống kê của Văn phòng Thống kê quốc gia Đức Destatis, sau khi tăng 4,1% trong tháng 5-2012, xuất khẩu của nước này đã giảm 1,5% trong tháng 6-2012, nhập khẩu cũng giảm 2,9%. Số đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp trong tháng 6-2012 giảm 1,7% (mạnh hơn dự báo) và sản lượng công nghiệp giảm 0,9%. Trong tháng 7-2012, chỉ số lòng tin của giới kinh doanh giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số lòng tin của người tiêu dùng chạm mức thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Giới phân tích cho rằng, các số liệu bi quan nói trên báo hiệu tương lai ảm đạm đối với nền kinh tế Đức. Điều đó chứng tỏ cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro (Eurozone) đang ngày càng tác động xấu đến nền kinh tế lớn nhất khu vực và đe dọa sức mạnh kinh tế của cả Eurozone. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Pháp cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này sẽ lại lâm vào suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm, với GDP dự kiến giảm 0,1% trong quý III năm 2012, sau khi đã giảm với mức tương tự trong quý II và tăng trưởng 0% trong quý I. Trước đó, chính phủ Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 0,4% xuống 0,3% năm 2012 và từ 1,7 % xuống 1,2% năm 2013. Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Pháp gặp khó khăn trong khôi phục động lực tăng trưởng là do sự không chắc chắn về số phận của đồng euro và các vấn đề liên quan trên các thị trường tín dụng, khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư hủy hoặc trì hoãn các quyết định chi tiêu lớn. Tại Anh, Ngân hàng Trung ương nước này (BoE) dự báo, kinh tế Anh sẽ tăng trưởng 0% trong năm 2012, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 0,7% mà BoE đưa ra cách đây không lâu, do đà phục hồi của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone. GDP của Anh đã giảm 0,7% trong quý II năm 2012, sau khi đã giảm 0,3% quý I và giảm 0,3% trong quý IV năm 2011. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Draghi kêu gọi tìm mọi phương án bảo vệ đồng euro, đề xuất khởi động lại kế hoạch ECB mua nợ của các nước khủng hoảng, nhằm giảm lãi suất nợ công và làm nhẹ giá thành tài chính của các nước này. Ông Draghi cũng kiến nghị cấp giấy phép ngân hàng cho Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) để cơ quan này có thể vay tiền vô hạn từ ECB, tăng cường năng lực đối phó với khủng hoảng nợ châu Âu… Những điều này đã khơi lên mâu thuẫn càng lớn trong nội bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu. Đức luôn phản đối phát hành trái phiếu chung của khu vực đồng euro, bác bỏ việc toàn bộ khu vực phải bảo lãnh nợ công của các nước khủng hoảng nợ, và cũng chống lại biện pháp ECB bắt chước FED in lượng lớn tiền giấy để cứu các nước này, cho rằng biện pháp này đẩy lạm phát tăng vọt và vi phạm nguyên tắc bảo vệ tính độc lập của ECB. Nói cách khác, các cường quốc kinh tế trong khu vực đồng euro (như Đức, Hà Lan và Phần Lan) và các nước thuộc nhóm khủng hoảng nợ đang từng bước hình thành cục diện đối lập - điều hoàn toàn bất lợi đối với việc giải quyết khủng hoảng nợ và có thể dẫn tới sự giải thể của khu vực đồng euro, khiến cho cuộc suy thoái của khu vực này càng thêm trầm trọng. Các chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến như thế nào hiện vẫn khó dự liệu, tình hình tồi tệ nhất có thể vẫn còn đợi ở phía trước. Nền kinh tế Mỹ khó vực dậy Theo các nhà phân tích, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Mỹ không thể liều lĩnh hành động để cứu thị trường, huống hồ liều thuốc kích thích kinh tế của FED không còn nhiều, QE3 được cho là biện pháp “sát thủ” cuối cùng để cứu thị trường, nếu chưa đến “cửa tử” thì FED cũng không dám liều sử dụng. FED mới đây chỉ ra rằng, động lực kinh tế giảm nhanh, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, lạm phát đang trở lại cùng giá dầu tăng cao, tất cả đã phản ánh kinh tế Mỹ thực sự yếu kém, GDP quý này chỉ tăng trưởng 1,5%, giảm nhiều so với mức tăng 2% của quý trước, tình hình kinh tế cuối năm có khả năng còn tồi tệ hơn. Thực tế, có đưa ra QE3 hay không thì nó cũng chỉ có tác dụng hạn chế đối với kích thích kinh tế Mỹ, hai đợt QE trước với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ USD đã chứng minh không thể chấn hưng nền kinh tế Mỹ, nếu thêm một đợt QE3, “liều thuốc” sẽ phải lớn hơn, song tác dụng nhiều nhất cũng chỉ có thể kéo dài thời gian Mỹ tái rơi vào suy thoái mà thôi. Hiện nay, điều khiến người ta lo ngại nhất là kinh tế Mỹ đã cảm nhận được nguy cơ “vách đá tài chính”. “Vách đá tài chính” do “siêu ủy ban liên đảng” (được thành lập bởi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa) chưa thể đạt được thỏa thuận về giảm thâm hụt, đầu năm sau sẽ khởi động cơ chế tự động giảm thâm hụt, thắt chặt chi tiêu của chính phủ với mục tiêu là giảm thâm hụt 1.200 tỷ USD trong 10 năm tới. Đồng thời, chính sách ưu đãi thuế sẽ kết thúc vào cuối năm nay và sẽ không được kéo dài. Giảm thâm hụt tài chính và tăng thuế sẽ tạo thành lỗ hổng tài chính lớn đối với tư nhân và các doanh nghiệp, hình thành cái gọi là “vách đá tài chính”. Và sự tấn công của nó đối với nền kinh tế Mỹ không thể xem nhẹ. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Mỹ được dự báo sẽ giảm mạnh, Mỹ lúc đó khó thoát khỏi suy thoái và sẽ theo gót châu Âu. Dự trữ tiền mặt của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ hiện đạt khoảng 5.000 tỷ USD, song do chính sách tài chính không rõ ràng, doanh nghiệp không dám đầu tư và tuyển dụng quy mô lớn, đây chính là nguyên nhân nền kinh tế Mỹ không thể vực dậy được. Một số nhà phân tích cho rằng, với cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu cộng thêm “vách đá tài chính” Mỹ, kinh tế thế giới sẽ đối mặt với những khó khăn và nguy cơ ngày càng lớn hơn./. TheoMai Hằng/chinhphu.vn |