(CMO) Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020 (Nghị quyết số 21), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định: Nghị quyết số 21 đã thực sự đi vào cuộc sống, với tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế ngày càng tăng, theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Hội nghị diễn ra vào chiều ngày 24/12. Tham dự tại điểm cầu Cà Mau có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau.
Sau hơn 8 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21 trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các nội dung của Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng, đồng thuận. Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp đã được nâng lên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21 và xa hơn là từng bước mở rộng vững chắc, phát triển BHXH, BHYT, tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Nếu như năm 2012, toàn quốc có hơn 10.500 ngàn người tham gia BHXH, chiếm 21,6% so với lực lượng lao động, thì đến cuối năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên 33,5% với hơn 15.700 ngàn người tham gia. Đối với tỷ lệ người tham gia BHTN, cuối năm 2020 là trên 13.342 ngàn người, tăng hơn 5.000 người so với năm 2012 và tỷ lệ người dân tham gia BHYT từ 66,4% tăng lên 90,97% trên tổng số dân.
Giai đoạn 2012-2020, số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT hàng năm đều tăng (tốc độ tăng từ 5-8% đối với BHXH, BHTN; từ 7-10% đối với BHYT). Đặc biệt là BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2020 tăng gần 8,5 lần so với năm 2012, vượt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết; BHYT cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân, về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết.
Trong những năm gần đây, mặc dù dịch bệnh, thiên tai có nhiều tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội; nhưng bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, công tác thu, phát triển người tham gia đã đạt được những kết quả hết sức tích cực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Cụ thể, đến hết năm 2020, số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm đều tăng cao, tốc độ tăng trưởng từ 8-12% và luôn hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Năm 2020, tổng số tiền thu là 392.870 tỷ đồng, tăng 254.115 tỷ đồng (tăng 283%) so với năm 2012.
BHXH tỉnh tuyên truyền, vận động người dân xã Hòa Thành, TP Cà Mau tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Mặc dù số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng qua từng năm, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng, đóng không đủ số lượng và mức đóng vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN), địa phương. Xuất hiện tình trạng DN và người lao động (NLĐ) thỏa thuận không đóng hoặc đóng không đúng mức tiền lương theo quy định; việc lạm dụng để trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản còn có diễn biến phức tạp. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi trục lợi BHXH còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người chưa tham gia BHXH (khoảng 66,5% lực lượng lao động trong độ tuổi). Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách. Trong thực tế, còn nhiều đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa tham gia.
Từ thực trạng nêu trên, để hướng tới đạt mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngoài việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức thực hiện trong thời gian qua, việc sửa đổi Luật BHXH lần này dự kiến bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý DN, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc cung cấp thông tin an sinh xã hội trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và trong việc quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Hội nghị đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đã đạt được và những mặt còn hạn chế. Đồng thời cũng phân tích những nguyên nhân hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện nhằm hướng đến BHYT toàn dân.
Quầy giao dịch BHXH tỉnh tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng các hồ sơ, chính sách cho người tham gia.
Cả nước phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN, khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ tham gia BHYT đạt trên 95% dân số.
Phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động tham gia BHXH, khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Để đạt các mục tiêu trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chỉ đạo nhiều giải pháp cần thực hiện thời gian tới, trong đó cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác BHXH, BHYT. Đây là kênh rất quan trọng để tạo công bằng, đảm bảo công tác an sinh xã hội, đảm bảo chăm lo tốt đời sống NLĐ, người dân. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Nâng cao chất lượng dịch vụ và công tác thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Tăng cường quản lý nhà nước về BHXH, BHYT.
Thực hiện tốt các giải pháp phát triển BHXH, BHYT, đồng thời với thực hiện các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển DN theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương có lợi thế nhằm thu hút nhiều lao động, tạo việc làm tại chỗ, coi đây là giải pháp quan trọng thúc đẩy gia tăng độ bao phủ BHXH, BHYT.
“Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. BHXH và BHYT là 2 chính sách lớn trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả công tác BHXH, BHYT với phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.