Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện lần cuối dự thảo nghị định quản lý đất trồng lúa trong cả nước. Theệnluậtgiữđấgiải victoria úco chủ trương, để bảo vệ được 3,8 triệu ha đất lúa và động viên nông dân yên tâm trồng lúa, sẽ có nhiều mức hỗ trợ.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản xuất lúa gạo là nguồn lực chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Trong những năm nền kinh tế gặp khó khăn, nông nghiệp đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế.
Vậy nhưng trong thời gian qua, đất lúa mất rất nhiều, giai đoạn 2000-2010, diện tích đất trồng lúa cả nước đã giảm gần 370.000ha, trong đó giảm mạnh nhất trong 5 năm 2000-2005 với hơn 300.000ha. Ông Ngọc cho rằng, xu hướng giảm diện tích trồng lúa diễn ra ở hầu hết các vùng trong phạm vi cả nước. Nguyên nhân chính là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển hạ tầng cơ sở.
Để chấm dứt tình trạng trên, giữ vững ổn định đất lúa, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, Bộ NN-PTNT vừa hoàn thiện dự thảo nghị định về bảo vệ và sử dụng đất lúa và đã trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Theo dự thảo, UBND các tỉnh, thành phố phải công bố công khai và quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được phê duyệt, xác định ranh giới diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là diện tích đất chuyên trồng lúa cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện đúng theo quy hoạch, kế hoạch đã được xét duyệt. Đối với đất lúa chuyển sang mục đích phi nông nghiệp, trước khi thi công công trình, chủ đầu tư phải bóc lớp đất mặt có độ dày 20cm để sử dụng, cải tạo các vùng đất nông nghiệp hoặc mục đích trồng trọt khác theo hướng dẫn của chính quyền địa phương sở tại.
Ngoài ra, dự thảo nghị định quy định hỗ trợ ngân sách cho các địa phương sản xuất lúa, căn cứ vào diện tích đất trồng lúa. Trong thời gian từ năm 2012-2015, ngoài hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành, ngân sách Trung ương còn hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các địa phương.
Cụ thể, hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác. Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cũng sẽ được hỗ trợ mức 500.000 đồng/ha/năm, đất lúa khác 100.000 đồng/ha/năm. “Dự thảo nghị định nhằm kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ có hiệu quả đất trồng lúa, giúp các địa phương yên tâm sản xuất, bền vững” - ông Ngọc nói.
Theo SGGPO