Sáng 27/4,ủtướngCầncótưduyđộtphávàtầmnhìnchiếnlượcvềchuyểnđổisốtrực tiếp bóng đá phần lan hôm nay Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I năm 2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II năm 2022 và thời gian tới.
Nhiều chuyển biến đột phá nhờ chuyển đổi số
Lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao các lợi ích của chuyển đổi số. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, đến nay đã có hơn 11 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ đã thực hiện xử lý 1.136 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế hơn 412.000 hồ sơ, tài liệu giấy.
Ở lĩnh vực thanh toán điện tử, tới nay, gần 20 triệu hộ dân trên cả nước có thể thanh toán tiền điện trực tuyến bởi vì ngành điện trong 5 năm qua đã nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu với phía ngân hàng. Định danh trên môi trường mạng là việc quan trọng nhất để triển khai các việc khác.
Trong khi đó, ở lĩnh vực giáo dục, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành bước đầu về kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối, trao đổi và đồng bộ dữ liệu về đội ngũ giáo viên với 1,3 triệu hồ sơ cán bộ đã được đồng bộ giữa 2 cơ sở dữ liệu và khoảng 24 triệu học sinh.
Gần 1 triệu hồ sơ học sinh đang học lớp 12 sẽ kịp đồng bộ trước ngày 29/4 để đưa vào sử dụng các dịch vụ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học năm 2022.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng và áp dụng bắt đầu từ ngày 9/5.
Về vấn đề dữ liệu, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, Bộ đã hoàn thành thông tư hướng dẫn trao đổi thông tin dữ liệu, các hướng dẫn trao đổi thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời trình Chính phủ Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công an cho biết trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, với Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ đã có Nghị quyết thông qua nhưng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lùi thời gian cho ý kiến. Do vậy, việc chậm ban hành Nghị định sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ chuyển đổi số Quốc gia do bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số.
Địa phương muốn gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư
Theo lãnh đạo TP.HCM, thực tiễn triển khai các dự án CNTT và chuyển đổi số cho thấy thời gian thường kéo dài do phải tuân theo quy trình nhưng công nghệ lại biến đổi nhanh nên khi thực hiện theo quy trình hiện nay thì nhiều công nghệ đã lạc hậu khi dự án được phê duyệt. Do đó, các địa phương không thể tiếp cận với các công nghệ mới nhất. TP.HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT xem xét rút ngắn tối đa thời gian để các địa phương có thể sớm ứng dụng các công nghệ mới, thúc đẩy công tác chuyển đổi số.
Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, thời gian triển khai các dự án công nghệ số kéo dài, không kịp đưa vào sử dụng theo nhu cầu còn do chi phí lập hồ sơ theo định mức quá thấp trong khi công việc phức tạp và hàm lượng tri thức cao. Lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan nâng phí lập hồ sơ thiết kế xây dựng các phần mềm nội bộ, có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai và rút ngắn thời gian.
Đà Nẵng cũng kiến nghị, Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm xây dựng và trình Chính phủ ban hành khung chính sách thử nghiệm có kiểm soát về không gian, thời gian (cơ chế sandbox – pv) để triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới về ứng dụng công nghệ số để các địa phương thuận lợi trong triển khai và đáp ứng nhu cầu phát triển.
Tại hội nghị, đa số các địa phương đều nhất trí cần rà soát cơ chế, chính sách để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai các kế hoạch, công tác chuyển đổi số ở các cấp. Theo lãnh đạo Hà Nội, Bộ KH&ĐT đã có thông tư hướng dẫn hệ thống chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực kinh tế số nhưng chưa có sự thống nhất. Do đó, địa phương mong muốn sớm có điều chỉnh, bổ sung thay thế thông tư này để làm căn cứ bám sát trong chỉ đạo cụ thể.
Về vấn đề này, lãnh đạo Đà Nẵng đánh giá, việc triển khai các ứng dụng công nghệ số đa phần là các công nghệ mới, phức tạp, đồng thời các địa phương triển khai các bài toán giống nhau nhưng cách làm, chi phí khác nhau. Do đó, cần sự điều phối của Bộ TT&TT. Đại diện địa phương cũng đề nghị Bộ tổ chức giao bộ phận thẩm định, thẩm tra có các ý kiến góp ý với một số dự án của các địa phương để có sự thống nhất, đồng bộ ở mức cơ bản; Tạo cơ sở dữ liệu các dự án triển khai để các địa phương tham khảo, triển khai đồng bộ hiệu quả và tiết kiệm.
Việt Nam mới đáp ứng được 20% nhân lực số
Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC, nhu cầu về nguồn nhân lực tại Việt Nam hiện nay rất cao nhưng khả năng đáp ứng còn hạn chế về chất lượng và số lượng. “Số lượng nhân lực CNTT hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 25% số lượng yêu cầu và 30% chất lượng”,ông Chính nói.
Lấy ví dụ cụ thể trong việc hợp tác với Samsung, năm 2021, Tập đoàn này có nhu cầu cao về nguồn nhân lực và yêu cầu cung cấp hàng nghìn người mỗi năm. Nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được 30% đảm bảo chất lượng của họ.
Ông Chính đồng tình với đề xuất xây dựng thí điểm đại học số của Bộ TT&TT và cho rằng có thể đảm bảo bài toán tăng quy mô nhưng vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Tuy nhiên, để có thể triển khai đại học số thì Bộ GD&ĐT có một số quy chế quy định thay đổi. Chẳng hạn, số học phần đào tạo online theo quy định là 30% thời gian đào tạo. Như vậy, đây là điểm nghẽn hạn chế trong đào tạo số và cần điều chỉnh phù hợp. Thứ 2 là về quy mô tuyển sinh.
Theo ông Chính, như thông tin đã có thì tuyển sinh 2021 có khoảng 82.000 người trên tổng số 300.000 nhu cầu nhập học, như vậy mới chỉ đáp ứng trên 24%. Để làm sao tăng được, cần có cơ chế thí điểm cho đào tạo đại học số thì có thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho đại học số để tăng quy mô đào tạo.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho rằng, để tránh tình trạng đầu tư tràn lan, dàn trải, có nguy cơ dẫn đến các tiêu cực khi đầu tư hạ tầng CNTT, Chính phủ có thể giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp theo hình thức thuê hạ tầng dịch vụ số bởi hiện nay các doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp số Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng số đáp ứng tiêu chuẩn thế giới.
Chuyển đổi số tạo động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết chuyển đổi số tạo ra động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững.
Theo Bộ trưởng, phát triển nhanh thì cần hạ tầng mới, kinh tế số thì cần hạ tầng số, đó là: hạ tầng viễn thông băng rộng; hạ tầng điện toán đám mây để lưu trữ và xử lý dữ liệu tại Việt Nam hay là các nền tảng số quốc gia. Những năm qua doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã phát triển được rất nhiều nền tảng số, các địa phương lựa chọn các nền tảng số phù hợp để giải quyết các vấn đề của mình. Có nền tảng số có thể dùng được ngay, có nền tảng phải may đo thêm, có nền tảng phải phát triển mới, nhưng tất cả đều có thể làm được vì các nền tảng này là Make in Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ. “Trọng tâm của Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022 là xây dựng 35 nền tảng số quốc gia. Dự kiến đến tháng 6 là hoàn thành 100 % và đưa vào sử dụng, tức là chúng ta về đích trước 6 tháng”,Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh tới huy động sức mạnh toàn dân để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Và chuyển đổi số là giúp mỗi người dân trở thành một người ảo để hoạt động toàn quốc và toàn cầu. Mọi người được tiếp cận tri thức, công cụ, công nghệ để sáng tạo để dân giàu, nước mạnh và không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm 2020 là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi Covid đẩy cả đất nước lên môi trường số. Năm 2022 sẽ là năm tổng tiến công về chuyển đổi số bằng cách đưa toàn dân lên các nền tảng số Việt Nam. Nhận thức về chuyển đổi số đã rõ hơn. Lý do là chuyển đổi số đã hình thành. “Con đường Việt Nam về chuyển đổi số đã định hình. Bây giờ phải hành động, hành động nhiều hơn, nhanh hơn, mạnh hơn để nhận thức, lý luận về con đường chuyển đổi số của Việt Nam được sáng hơn và để chuyển đổi số phát huy hiệu quả, tạo ra động lực mới cho phát triển đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói thêm.
Cần tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lại quan điểm chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Do đó, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đúc rút kinh nghiệm thường xuyên.
Đánh giá cao các kết quả đạt và sự chuyển biến trong nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số của các cấp, ngành, Thủ tướng cho rằng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn và tầm quan trọng của công việc. Thủ tướng đánh giá, sự chuyển biến nhận thức phải thể hiện bằng hành động chứ không phải bằng giấy tờ, hình thức.
“Phải thông về tư tưởng để có sự chuyển biến nhận thức, quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động phải quyết liệt nhưng phải có hiệu quả. Lựa chọn có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban chuyển đổi số quốc gia phải có các phiên họp định kỳ, có hiệu quả cũng như kiểm đếm được các hiệu quả cụ thể. Với phương châm là thực hiện nhanh nhất có thể, nhiều nhất có thể và hiệu quả nhất có thể, kịp thời nhất có thể theo yêu cầu đặt ra của cuộc sống. Tuy nhiên, phát triển phải có lộ trình, mục tiêu và an toàn, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: “Phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể".Đồng thời, có tầm nhìn chiến lược với mục tiêu, mục đích phát triển rõ ràng, an toàn, bền vững, đúng trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước", Thủ tướng nói.
Trong quý II/2022, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, trên tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, hành động phải quyết liệt, có hiệu quả, lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó".
Duy Vũ - Đoàn Bổng