Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Tam Dương 1 của Sơn Hà. Ảnh: T.L |
Lợi nhuận tăng, nhưng tỷ lệ nợ cao
Theo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021, Sơn Hà đạt doanh thu thuần 3.292 tỷ đồng, tăng trưởng gần 48% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 83 tỷ đồng, tăng trưởng khá cao tới 232% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong câu chuyện kinh doanh của Sơn Hà trong nửa đầu năm 2021, mặc dù doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá cao, nhưng quy mô nợ đang tiếp tục phình to trong bối cảnh tỷ lệ nợ đã ở mức khá cao trước đó.
Nửa đầu năm 2021 cũng là giai đoạn chuyển giao khá quan trọng về mặt nhân sự của Sơn Hà khi công ty này đã có tân Tổng giám đốc là ông Đào Nam Phong. Ông Đào Nam Phong có bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Đại học Columbia Southern, đã từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc Sơn Hà và giữ chức vụ này trong 8 tháng trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty này. Trước khi về với Sơn Hà, ông Phong cũng đã có kinh nghiệp quản trị tại một số doanh nghiệp khác: Tổng giám đốc Công ty cổ phần Unimex (thuộc Tập đoàn T&T); Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC; Giám đốc Công ty cổ phần Halico. |
Nợ phải trả của Sơn Hà tại thời điểm cuối tháng 6/2021 là 3.443 tỷ đồng, tăng thêm 8,2% so với đầu năm 2021. Tỷ lệ nợ phải trả của Sơn Hà theo đó đã lớn tới gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Trong cơ cấu nợ, riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã lên 2.143 tỷ đồng, số tiền này cũng đã lớn gấp gần 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, công ty cũng còn có 249 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Trong khi đó về phía tài sản, tài sản ngắn hạn của công ty có giá trị 3.739 tỷ đồng, nhưng nhóm tài sản có tính thanh khoản cao chiếm tỷ trọng rất thấp. Tiền (và tương đương tiền) và đầu tư tài chính ngắn hạn đều giảm so với đầu năm, tổng cả 2 khoản này tại thời điểm giữa năm cũng chỉ ở mức 264 tỷ đồng. Số tiền này chỉ có thể giải quyết được khoảng hơn 12% tổng giá trị các khoản vay tài chính ngắn hạn của công ty trong cùng thời điểm.
Cuộc 'phiêu lưu' vào bất động sản
Với cơ cấu tài chính còn bấp bênh như trên, việc Sơn Hà còn đang nuôi tham vọng "tiến quân" vào mảng bất động sản khu công nghiệp – một lĩnh vực đòi hỏi nhu cầu vốn lớn – đang đặt ra sự lo ngại về việc “quá tải” đối với doanh nghiệp này.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Sơn Hà đưa ra thông điệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngành nước, năng lượng tái tạo và đặc biệt là bất động sản công nghiệp.
Tham vọng của công ty này trong 5 năm tới sẽ trở thành nhà đầu tư bất động sản công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, điển hình là dự án hạ tầng bất động sản công nghiệp tại Khu công nghiệp Tam Dương I - Vĩnh Phúc có quy mô 162,33 ha.
Thực tế ngành bất động sản công nghiệp cũng đang là lĩnh vực hấp dẫn trong thời gian gần đây và cũng có một số doanh nghiệp ngoại đạo nhảy vào cuộc chơi này. Theo báo cáo của Savills Việt Nam, làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao. Diễn biến này sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, kể cả các địa phương xa thủ phủ công nghiệp hiện hữu.
Trong xu hướng này, một nhóm doanh nghiệp khác ngành nghề cũng ngấp nghé mảng bất động sản công nghiệp phải kể đến là các doanh nghiệp cao su. Tuy cùng là các doanh nghiệp ngoại đạo, nhưng “thế” của Sơn Hà và các doanh nghiệp cao su lại có nhiều điểm khác vì các doanh nghiệp cao su có thế mạnh nhờ sở hữu diện tích đất lớn, dễ dàng cho việc chuyển đổi 1 phần đất cao su sang đất khu công nghiệp.
Trở lại câu chuyện của riêng Sơn Hà, để thực hiện tham vọng đầu tư vào Khu công nghiệp Tam Dương I, doanh nghiệp này cần số vốn đầu tư lên tới 1.316,12 tỷ đồng. Quy mô vốn cho riêng dự án này đã tương đương vốn hiện tại của Sơn Hà.
Đương nhiên trong một dự án đầu tư, doanh nghiệp có thể chỉ cần một phần vốn tự có và phần còn lại có thể dựa vào vốn vay. Tuy nhiên, Sơn Hà lại đang mắc kẹt trong thế của một doanh nghiệp đang có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đã ở mức khá cao như đề cập phần trên và thế dư địa cho việc gia tăng vốn vay là rất hạn hẹp.
Trong khi đó, dòng tiền thực tế của công ty này cũng đang ở trạng thái khá eo hẹp, với giá trị lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 bị âm 292 tỷ đồng.
Với bối cảnh như hiện nay, việc Sơn Hà sẽ gồng gánh ra sao những tham vọng lớn trên một nền tảng thể lực tài chính không quá khỏe mạnh hiện nay sẽ là câu chuyện đáng quan tâm cho cổ đông và nhà đầu tư trong thời gian tới./.
Số liệu tài chính 6 tháng của Sơn Hà và một doanh nghiệp cao su cũng đang chuyển đổi đầu tư bất động sản công nghiệp (tỷ đồng)
Sơn Hà | Cao su Phước Hòa | |
Nợ phải trả | 3.443 | 2.964 |
Vốn chủ sở hữu | 1.377 | 3.121 |
Nợ/vốn | 2,5 lần | 0,95 lần |
Doanh thu thuần | 3.292 | 731 |
Lợi nhuận sau thuế | 83 | 170 |
Lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu | 6% | 5,4% |
Dòng tiền thuần trong hoạt động kinh doanh | -292 | 6,6 |
Chí Tín