Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) cảnh báo mức độ tăng trưởng này sẽ không đủ để đảm bảo tăng trưởng bền vững vì các tác động xã hội của cuộc khủng hoảng và các vấn đề cấu trúc trong khu vực ngày càng trở nên tồi tệ và sẽ còn kéo dài trong giai đoạn phục hồi tới đây. Đối với năm 2022, CEPAL dự báo khu vực có thể sẽ đạt mức tăng trưởng 2,9%, đồng nghĩa với việc tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.
Các nước được dự báo có khả năng đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm nay là Panama với 12%, tiếp đến là Chile (8%), Cộng hòa Dominicana (7,1%), Argentina (6,3%), Mexico (5,8%), Colombia (5,4%) và Bolivia (5,1%). Trong khi ở chiều ngược lại, các nước có tốc độ tăng trưởng thấp nhất sẽ là Cuba với 2,2%, Nicaragua (2%), Haiti (0,1%) và Venezuela (-4%).
Báo cáo của CEPAL nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng hiện nay là không bền vững và có nguy cơ quay trở lại những quỹ đạo tầm thường, không đủ đầu tư và việc làm, cũng như sự suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, CEPAL kêu gọi các chính phủ duy trì các chính sách chuyển giao khẩn cấp mà trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua đã đạt 10 tỷ USD, tương đương với 0,26% GDP của năm 2020.
Là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19, cả về dịch tễ lẫn kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ Latinh và Caribe đã suy giảm 6,8% trong năm 2020 và là mức suy giảm lớn nhất trong 120 năm qua. Cùng với đó, tỷ lệ nghèo và nghèo cùng cực cũng đã tăng tương ứng lên mức 33,7% và 12,5%.
Liên quan tới lĩnh vực ngoại thương, CEPAL cho rằng có dấu hiệu về những triển vọng thuận lợi hơn và dự báo xuất khẩu của khu vực sẽ tăng 22% vào năm 2021 sau khi đã bị giảm 10% vào năm 2020. Lý do chủ yếu là vì giá nguyên liệu thô tăng và nhu cầu tiêu thụ bắt đầu hồi phục ở các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu./.
Theo TTXVN