(CMO) Lời xin lỗi là cần thiết, cũng là lẽ thường trong cuộc sống của mỗi người khi có hành vi thiếu sót hay không đúng. Nhưng điều đó càng ý nghĩa hơn khi được thực thi tại các cơ quan công sở đối với Nhân dân, nhất là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho người dân từ tỉnh đến cơ sở. Đây là nội dung được quy định rất rõ trong Nghị định 61/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Phó giám đốc Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh Cà Mau Hồ Chí Linh cho biết: “Đi cùng với hồ sơ trễ hạn đều có giấy xin lỗi được thủ trưởng cơ quan, đơn vị, lãnh đạo địa phương ký, đó là quy định theo Nghị định 61/2018. Hành động này vừa thể hiện sự tôn trọng người dân, vừa thông tin nguyên nhân hồ sơ bị xử lý trễ hạn, cũng như hẹn lại thời gian trả để tổ chức, cá nhân yên tâm, khỏi phải đi lại nhiều lần”.
Hơn nữa, thực hiện đúng quy định này còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, qua đó ghi nhận công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, để từ đó có sự tham mưu, đề xuất, giải quyết kịp thời, hạn chế hồ sơ trễ hạn.
Được biết, thực hiện theo Nghị định 61/2018 cũng như Thông tư 01/2018 của Văn phòng Chính phủ được ban hành kèm theo có 6 biểu mẫu trong quy trình giải quyết TTHC, trong đó có mẫu Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả. Theo đó, đối với cơ quan đơn vị trả kết quả trễ hạn mà thuộc về lỗi cơ quan đơn vị thì phải xin lỗi theo mẫu trên.
Đến nhập khẩu cho vợ tại bộ phận một cửa xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, ông Danh Văn Lành, ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, chia sẻ: “Tôi đến đây nhiều lần làm hồ sơ, giấy tờ nhưng chưa lần nào bị trễ hẹn, cán bộ làm cũng nhanh, nhiệt tình. Tuy nhiên, nếu cán bộ chậm trễ hồ sơ của dân thì xin lỗi dân, tôi nghĩ là điều cần thiết, để dân biết hồ sơ của mình có giải quyết được không và lỗi cán bộ chỗ nào, người dân sẽ cảm thấy được tôn trọng nhiều hơn”.
Bộ phận 1 cửa xã Khánh Bình Tây tiếp nhận hồ sơ của người dân. |
Theo ông Hồ Chí Linh, hiện nay, đối với cấp tỉnh, việc thực hiện vấn đề này khá tốt. Hầu hết các hồ sơ trễ hạn đã qua đều có văn bản xin lỗi tổ chức, cá nhân. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp là đơn vị phát sinh hồ sơ trễ hạn nhiều nhất, với 38 hồ sơ. Mặc dù do lỗi khách quan từ các cơ quan liên quan chậm thông tin, nhưng Sở Tư Pháp vẫn có văn bản xin lỗi các tổ chức, cá nhân khi chậm trả hồ sơ.
Tuy nhiên, về mặt ý nghĩa tích cực là thế, về mặt kiểm soát TTHC là như vậy, nhưng trên thực tế, việc thực hiện này đối với cấp huyện, xã hiện nay vẫn còn chưa rõ ràng. Ông Hồ Chí Linh cho hay, trước đây, khi tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được làm theo phương pháp thủ công, truyền thống, không có sự ràng buộc nào, dẫn đến không biết hồ sơ có trễ hạn hay không. Thậm chí nhiều đơn vị điền mẫu để trống ngày, tháng, khi nào giải quyết xong mới ghi ngày, tháng vào, nên không thể kiểm soát được quy trình giải quyết có trễ hạn hay không cũng như giấy xin lỗi.
Do vậy, sau kiểm tra thấy nhiều bất cập đã đề nghị các đơn vị đưa vào hệ thống thông qua ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi trên cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, với ứng dụng này, sẽ xác nhận thông tin đầu vào, đầu ra có đúng quy trình hay không. Từ đó, kiểm soát được hồ sơ có đúng hạn hay không, để ra giấy xin lỗi theo đúng quy định.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thể kiểm soát chặt và chính xác giấy xin lỗi. Chủ yếu, các huyện báo cáo hồ sơ trễ hạn lỗi do về mặt kỹ thuật chứ việc ra văn bản xin lỗi vẫn chưa thống kê được con số cụ thể.
Theo báo cáo 6 tháng của UBND tỉnh, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 267.000 hồ sơ. Trong đó có gần 1.200 hồ sơ trễ hạn, chiếm 0,45%. Trong đó, cấp tỉnh 56 hồ sơ, cấp huyện 406 hồ sơ, cấp xã 737 hồ sơ. Số liệu trễ hạn mặc dù khá cao nhưng đa phần các địa phương cho rằng do lỗi khách quan. Như vậy, vấn đề đặt ra là số lượng văn bản xin lỗi ai là người kiểm soát?./.
Hồng Nhung