Lạm phát năm 2017 sẽ dưới 4%
Theo báo cáo của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá cả thị trường trong 9 tháng đầu năm 2017 cơ bản được kiểm soát theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội đã đề ra. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giảm dần qua các tháng. CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm 2016 tăng 3,79%, tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát tốc độ tăng CPI các tháng cuối năm theo mục tiêu CPI bình quân năm 2017 ở mức dưới 4%. Lạm phát cơ bản tăng thấp, bình quân 9 tháng đầu năm 2017 (so cùng kỳ năm trước) tăng 1,45%, thấp hơn mức kế hoạch (1,6% - 1,8%).
Nguyên nhân làm tăng CPI trong 9 tháng qua chủ yếu do việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường; biến động tăng của giá xăng dầu trong những tháng gần đây. Ở chiều ngược lại, giá thực phẩm giảm, nhất là giá thịt lợn giảm vào các tháng giữa năm, sức mua tăng thấp cùng với việc tăng cường công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng qua.
Về điều hành giá cả các mặt hàng thiết yếu, theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 9 tháng qua, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng 2,94% - 9,81% so với thời điểm cuối năm 2016. Mức chi Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu từ 404 – 2.226 đồng/lít (kg) tùy từng loại, góp phần quan trọng kiềm chế giá xăng dầu trong nước không tăng “sốc”. Số dư Quỹ BOG xăng dầu thời điểm ngày 30/9/2017 ước là 4.900 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại thị trường trong nước tương đối ổn định, một số mặt hàng đơn lẻ của hãng Nestle có điều chỉnh tăng nhẹ (dưới mức 5%). Công tác điều hành giá, về cơ bản, được các doanh nghiệp và người tiêu dùng đồng thuận.
Báo cáo về giá dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (BOT), tại cuộc họp, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá 20.000 đồng/xe đối với xe loại 4 và xe nhóm 5. Đến nay, Bộ GTVT đã đàm phán với các nhà đầu tư để giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ của 35 dự án, 27 dự án có mức giá được xác định từ đầu thấp, không ảnh hưởng đến chi phí của các doanh nghiệp, 11 dự án chưa giảm giá do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến.
Cùng với đó, Bộ GTVT đã rà soát, cập nhật giá trị quyết toán, tính toán sơ bộ lại phương án tài chính của 51 dự án BOT đã quyết toán để tiến tới đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng điều chỉnh phụ lục hợp đồng dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Còn theo đại diện Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2017, đã có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) cho người không có thẻ BHYT. Các địa phương còn lại sẽ thực hiện chia làm nhiều đợt từ nay đến cuối năm, thời điểm thực hiện cụ thể phụ thuộc vào quyết định của HĐND tỉnh. Cũng theo tổng hợp của Bộ Y tế, tính đến nay, có 35 địa phương đã được HĐND thông qua nghị quyết, còn lại 28 tỉnh chưa có báo cáo cụ thể. Riêng 4 tỉnh đề nghị được thực hiện từ tháng 1/2018.
Về đấu thầu tập trung thuốc chữa bệnh cấp quốc gia, hiện Trung tâm đấu thầu thuốc - Bộ Y tế đã hoàn thành quá trình đánh giá hồ sơ mời thầu và xếp hạng các nhà thầu, về cơ bản đảm bảo giảm giá từ 10 - 15% cho đợt đấu thầu 5 hoạt chất ung thư (22 mặt hàng thuốc).
Giảm ngay phí tại một nửa số trạm BOT đã quyết toán
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát tốt lạm phát trong 9 tháng qua, đặc biệt không để xảy ra lạm phát kỳ vọng qua mỗi kỳ điều chỉnh giá cả.
Nhận định cuối năm có thể xuất hiện một số yếu tố tác động, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành về xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu, giá gas, giá thịt heo để kiểm soát hiệu quả lạm phát. “Mục tiêu điều hành lạm phát năm nay dứt khoát bảo đảm bình quân tăng dưới 4%, lạm phát cơ bản tăng 1,6%, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7%, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,6%, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến của lạm phát, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ BOG với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, nhất là trong các thời điểm cận lễ, tết hoặc các thời điểm mà giá xăng dầu đã tăng nhiều kỳ liên tục để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.
Bộ Y tế nắm tình hình thực hiện đối với các địa phương chưa ban hành nghị quyết về mức giá dịch vụ KCB cho người không có thẻ BHYT; hướng dẫn các địa phương hiện đang đề nghị thực hiện sang năm 2018 hoàn thành việc điều chỉnh ngay trong năm 2017. Đồng thời, tăng cường thu hẹp phạm vi chi trả KCB bảo hiểm xã hội, không thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội cho công tác dự phòng nhằm bảo đảm an toàn của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế, phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 105/2014/NĐ-CP theo hướng không mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác đấu thầu tập trung thuốc quốc gia với mục tiêu kéo giá thuốc giảm từ 10 - 15% so với mặt bằng giá hiện nay.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT sớm đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng điều chỉnh giảm mức giá dịch vụ đường bộ BOT với 51 trạm đã thực hiện quyết toán, cố gắng thực hiện giảm phí tại một nửa số trạm đã quyết toán này ngay trong năm nay./.
Hoàng Lâm