Trước tiên, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện ngay theo Nghị quyết số 03-NQ/BCSĐ ngày 19/3/2018 về thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Tài chính đến năm 2020 để triển khai có hiệu quả Kết luận 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hiệu quả kiểm soát tài sản thu nhập và các quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập, giải trình thu nhập bất minh; xác minh, làm rõ, xử lý kịp thời đối với những cán bộ, công chức có hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Báo cáo kịp thời kết quả kê khai minh bạch tài sản, thu nhập năm 2017 gửi Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính trung ương theo hướng dẫn tại Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ và Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.
Các đơn vị chủ trì công tác thanh tra sẽ thực hiện rà soát để đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội có liên quan đến các lĩnh vực, chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; ngân hàng; đầu tư xây dựng cơ bản; giáo dục, y tế,...; phối hợp với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan triển khai, thực hiện các Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2017; Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015,...
Cơ chế, chính sách quản lý tài chính sẽ tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhất là các định mức, tiêu chuẩn, chế độ về quản lý, sử dụng NSNN, quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài chính doanh nghiệp...
Các đơn vị trực tiếp giao dịch với người dân, DN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các nghị quyết của Chính phủ số 19-2017/NQ-CP, số 35/NQ-CP, số 36a/NQ-CP; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi tối đa, giảm thời gian, chi phí giao dịch hành chính cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, một nhiệm vụ quan trọng cần làm trước mắt là nâng cao năng lực hoạt động phòng, chống tham nhũng, góp phần phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tham mưu cho các cấp ủy, tổ chức đảng, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng cũng vẫn được tăng cường bên cạnh công tác thanh tra hành chính, kiểm tra nội bộ, tập trung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế công tác, nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương của ngành, đồng thời rà soát, kiến nghị để sửa đổi bổ sung các quy trình nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc chưa phù hợp pháp luật, góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Không chỉ đưa ra giải pháp, Bộ Tài chính còn nêu lên một số kiến nghị, đề xuất. Đó là: Sớm hoàn thành sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng, nhất là quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; tổ chức, hoạt động; cơ chế phối hợp của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành dọc thuộc Trung ương quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy đảng, cơ quan, tổ chức đơn vị.