1. Sẵn sàng tâm thế, vững bước vào Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Năm 2024, những định hướng, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra là những định hướng chiến lược, được hình thành trên những cơ sở khoa học vững chắc, có sức thuyết phục, dẫn dắt cao.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
2. Việt Nam dẫn đầu ASEAN- 6 về tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, thiên tai khó lường, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN-6 (gồm Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan). Dự kiến tăng trưởng GDP năm 2024 vượt trên 7% (vượt mục tiêu Quốc hội giao), lạm phát duy trì dưới 4% trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát kỷ lục 800 tỷ USD. Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới. 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra. WB, ADB, IMF và nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.q
3. Thông qua nhiều dự thảo luật quan trọng với tinh thần cải cách đột phá, tháo gỡ kịp thời "nút thắt" về thể chế
2024 ghi dấu ấn là năm đột phá trong hoàn thiện pháp luật, thúc đẩy sự phát triển. Theo đó, tại Kỳ họp bất thường (tháng 1/2024), Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với thời hạn đề ra. Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2024), Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Các luật này có nhiều đổi mới theo hướng chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, phân cấp, phân quyền, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân.
4. Thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; chính sách tài khóa tiên phong hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
Năm 2024, lần đầu tiên, thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt mốc 2 triệu tỷ đồng, vượt hơn 19,1% so với dự toán. Trong đó, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước bằng 116,5% dự toán, bằng 113,7% so với năm 2023. Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu ước bằng 111,5%-112% dự toán, tăng 13,4% - 13,9% so với năm 2023.
Kết quả này là rất ấn tượng trong bối cảnh nội tại nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thiên tai bão lũ gây hậu quả nặng nề. Đặc biệt là NSNN phải thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2024 lên đến khoảng 191 nghìn tỷ đồng (số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 95 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96 nghìn tỷ đồng). Tổng cộng gần 5 năm qua, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất lên đến khoảng 900 nghìn tỷ đồng.
5. Đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng
Dấu ấn năm 2024 là nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia có ý nghĩa liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa được đưa vào khai thác. Theo đó, đã đưa vào khai thác thêm 109 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước lên hơn 2.021 km; khởi công tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; khởi công 2 dự án nối thông đường Hồ Chí Minh; triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc"... ; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để khởi công 5 dự án giao thông lớn. Về hàng không, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất... Đặc biệt, dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối với quy mô gần 1 tỷ USD được khánh thành sau hơn 6 tháng thần tốc thi công, xác lập kỷ lục về thủ tục đầu tư và thời gian thi công ngắn nhất, ghi dấu ấn tinh thần dân tộc và sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
6. Thay đổi cơ chế điều hành tín dụng và những giải pháp chưa có tiền lệ đối với thị trường vàng
2024 đánh dấu một năm thay đổi về chính sách điều hành tín dụng khi từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch cho các ngân hàng với mức tăng khoảng 15%. Sau đó, vào tháng 9 và tháng 11/2024, NHNN có hai lần nới room tín dụng cho các ngân hàng. Cuối tháng 11/2024, NHNN tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm room tín dụng năm 2024 đối với các tổ chức tín dụng. Tính tới 13/12, tín dụng toàn hệ thống tăng 12,5%.
2024 cũng là một năm giá vàng biến động mạnh nhất trong lịch sử. Giá vàng trong nước và thế giới lập đỉnh kỷ lục mọi thời đại, vàng miếng SJC có lúc đạt tới 92,5 triệu đồng/lượng (bán ra). NHNN đã đưa ra hàng loạt giải pháp để ổn định thị trường vàng. Trong tháng 4 và tháng 5/2024, NHNN tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng, cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tấn vàng. Từ đầu tháng 6/2024, NHNN đưa ra giải pháp chưa từng có tiền lệ: trực tiếp bán vàng cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần và Công ty SJC để các doanh nghiệp này bán vàng cho người dân. Các đoàn thanh tra liên ngành cũng được thành lập...Với một loạt giải pháp đồng bộ, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từ chỗ 18 triệu đồng/lượng hiện đã giảm còn hơn 3 triệu đồng/lượng.
7. Siêu bão Yagi gây hậu quả nặng nề và sức mạnh tinh thần Việt Nam
Siêu bão Yagi (đầu tháng 9) có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta đã làm 323 người chết, 22 người mất tích, 1.978 người bị thương, gây thiệt hại vật chất hơn 81.700 tỷ đồng và làm giảm tăng trưởng kinh tế khoảng 0,15%.
Với sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Nhà nước; các bộ, ngành, địa phương; sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp, đồng bào trong nước và ở nước ngoài, công tác khắc phục hậu quả bão lũ được triển khai hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.
Sau bão, Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái thiết với tổng chi phí 54.000 tỷ đồng trong 5 năm, gồm xây dựng lại nhà ở, cơ sở hạ tầng, tái thiết các khu vực bị sạt lở và xây cầu Phong Châu mới… Tinh thần đoàn kết và sự chung tay của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết. Đến ngày 18/11, tổng kinh phí ủng hộ khắc phục bão Yagi qua Ban Vận động cứu trợ Trung ương đạt trên 2.185 tỷ đồng, đã được phân bổ đến các địa phương.
8. Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI toàn cầu đang suy giảm và cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt
Thu hút FDI 11 tháng năm 2024 ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới. 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.
Bắc Ninh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm 2023. Trong 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023.
Trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Đặc biệt là, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
9. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay
Hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2024 có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gấp 2,5 lần so với kế hoạch Chính phủ giao; xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%. Đặc biệt, cán cân thương mại xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%). Hầu hết các thị trường xuất khẩu tăng trưởng tốt, các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam đều tăng trưởng cao.
10. Thị trường bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
Trong năm qua, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc liên tục với các địa phương, doanh nghiệp, rà soát từng dự án để hướng dẫn, giải quyết vướng mắc.
Thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2024, nguồn cung về nhà ở tại Việt Nam đã tăng 8,6% so với năm 2023, đánh dấu tín hiệu tích cực trong việc cải thiện tình hình nhà ở trên cả nước. Các dự án mới đã được khởi công, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội đóng góp lớn vào việc đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng. Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,6 tỷ USD. Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.