Bộ trưởng Y tế bịt mặt đi mua thuốc kê đơn để "thử" người bán
(Dân trí) - Nữ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết bà đã thử bịt mặt ra hàng thuốc tây mua một loại thuốc để thử xem người bán có tuân thủ quy định bán thuốc kê đơn hay không.
Sáng 12/11, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan có thêm 55 phút đầu giờ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế.
Cuối phiên chất vấn chiều 11/11, đã có 8 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tư lệnh ngành y tế.
Đại biểu Tráng A Dương(Hà Giang) phản ánh thực trạng thách thức các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế khi nhiều công ty, nhà đầu tư, phòng khám đa khoa tư nhân bị xử lý vi phạm hành chính, phạt bổ sung, tạm đình chỉ hoạt động 3-4 tháng, sau đó tuyên bố giải thể rồi lại lập công ty mới, mở một phòng khám khác với đội ngũ nhân viên quản lý và nhân viên y tế đã được hành nghề của phòng khám trước đó, thậm chí hoạt động ở ngay tại địa điểm đó với tên gọi hoàn toàn khác và mới. Ông muốn Bộ trưởng nêu giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Đại biểu Lưu Văn Đức(Đắk Lắk) chất vấn tư lệnh ngành y tế về tình trạng chào bán các loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng xách tay tràn lan xuất hiện trên thị trường, đặc biệt đã lan tỏa tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe người dân, tiềm tàng ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.
"Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm quản lý của ngành y tế như thế nào? Bộ có giải pháp gì khắc phục trong thời gian tới?", đại biểu hỏi và gửi cả nội dung này tới Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Hồ Thị Minh(Quảng Trị) hỏi về trách nhiệm quản lý và muốn nghe lời cam kết của Bộ trưởng Y tế trong việc chấm dứt thực trạng hầu hết nhà thuốc không có dược sĩ, thuốc kê đơn không có đơn vẫn bán một cách tràn lan.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh(Lâm Đồng) chất vấn về thực trạng một số doanh nghiệp không công bố sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc sản phẩm không được hậu kiểm và có nguy cơ không đảm bảo an toàn. Bà muốn biết giải pháp của Bộ trưởng để giải quyết vấn đề này
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh(TPHCM) chất vấn trong bối cảnh Chính phủ quyết liệt tinh giản biên chế, làm thế nào để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm, vì thực thế hiện nay nhân lực đang mỏng và không đủ để làm việc này.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung(Long An) phản ánh việc lạm dụng sử dụng thực phẩm chức năng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, làm rối loạn quá trình đồng hóa, trao đổi chất của cơ thể do nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng. Thậm chí người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng không đúng, không hợp lý sẽ làm mất đi thời gian vàng chữa trị bệnh.
"Xin Bộ trưởng cho biết, giải pháp căn cơ, hiệu quả nào để người dân hiểu đúng, hiểu đủ về thực phẩm chức năng để biết cách sử dụng đúng, mang lại hiệu quả?", nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Trần Văn Sáu(Đồng Tháp) hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế trong việc đề xuất các chính sách với cán bộ y tế trong cuộc chiến khốc liệt phòng chống dịch hoặc thiên tai.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan(TPHCM) khi chất vấn Bộ trưởng Y tế đã đưa ra nhận định "cả 3 chân kiềng ngành y tế gồm dự phòng, điều trị và cung ứng đều đang rất khó khăn". Bà hỏi Bộ trưởng về những giải pháp đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn, ví dụ về tình trạng thiếu thuốc triền miên.
"Các bệnh nhân thiếu thuốc phải tự mua thuốc bảo hiểm y tế trong thời gian qua và cho tới giờ vẫn chưa có một động thái nào về phía cơ quan chức năng để có thể đền bù lại chi phí này", bà Lan đặt vấn đề.
Nữ đại biểu cũng đặt câu hỏi "Bao giờ Bộ sẽ có tổng kết chính thức về mô hình xã hội hóa các cơ sở khám, chữa bệnh để thật sự tăng tính tự chủ của các cơ sở, chứ không chỉ cắt giảm về chi từ ngân sách. Bộ trưởng có đấu tranh gì để tăng ngân sách đầu tư cho ngành y tế?".
Về dự phòng, bà hỏi về thu nhập của nhân viên y tế và tình trạng xin nghỉ việc của đội ngũ này. "Nếu dịch bệnh quay trở lại, ngành y tế có tự tin ứng phó được hay không", đại biểu TPHCM chất vấn nữ Bộ trưởng.