Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng,ớitrầngiờlàmthêmGiằngcogiữavàgiờthábxh league 2 việc áp dụng mức trần 300 giờ/năm cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, vẫn cần loại trừ một số ngành, nghề. Ảnh: Đức Thanh |
Theo chương trình phiên họp thứ 9, ngày mai (24/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động.
Đây là nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại đợt 1 của phiên họp thứ 9 (ngày 10/3). Khi đó, Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 300 giờ/năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc theo Bộ luật Lao động.
Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự thảo Nghị quyết) cho rằng, việc áp dụng mức trần 300 giờ/năm cho tất cả các ngành, nghề, công việc là quá rộng, vẫn cần loại trừ một số ngành, nghề. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chỉ nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%, tương ứng từ 40 giờ lên 60 giờ và chỉ áp dụng đối với đối tượng đã được quy định mức trần làm thêm trong năm là 300 giờ.
Thảo luận lần đầu, các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chưa chụm. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần giải trình thuyết phục hơn, vì trên thế giới chỉ có 6 nước áp dụng tăng giờ làm thêm đến 72 giờ.
Gút lại, về áp dụng mức trần số giờ làm thêm trong năm, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát theo hướng loại trừ các đối tượng, ngành nghề, công việc không thể áp dụng mức này, đồng thời nghiên cứu kỹ mức trần giờ làm thêm trong tháng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua vào ngày 24/3/2022.
Yêu cầu trên đã được thực hiện, với một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cơ quan thẩm tra đã tiến hành biểu quyết. Kết quả, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất chỉnh lý tên gọi của Dự thảo Nghị quyết: “Nghị quyết về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội”.
Về mở rộng đối tượng làm thêm giờ trong một năm, Ủy ban Xã hội và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý theo hướng bổ sung các trường hợp không thực hiện thời giờ làm thêm không quá 300 giờ. Đó là: người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Tuy nhiên, về nới trần giờ làm thêm trong tháng, vẫn có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ như tờ trình của Chính phủ và cho rằng, đây là mức hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệpnhỏ và vừa Việt Nam.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm trong tháng lên mức không quá 72 giờ là quá cao, cơ quan soạn thảo chưa đưa ra căn cứ có sức thuyết phục, chỉ nên nâng lên mức tối đa không quá 60 giờ. Đây cũng là ý kiến được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn để thực hiện mục tiêu bảo đảm sức khoẻ, tái tạo sức lao động, an toàn lao động của người lao động.
Ủy ban Xã hội nhất quán và thống nhất giữ quan điểm như đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ nhất và đề nghị theo loại ý kiến thứ hai. Mức nâng từ không quá 40 giờ lên không quá 60 giờ trong tháng cũng tương ứng với việc mở rộng trường hợp được làm thêm trong năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%).
Với nội dung này, cơ quan chủ trì soạn thảo bảo lưu quan điểm nâng lên không quá 72 giờ làm thêm trong tháng.
Như vậy, qua nhiều vòng thảo luận, vẫn tiếp tục có sự “giằng co” giữa hai mức 60 giờ và 72 giờ. Quyết định cuối cùng thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau cuộc họp vào giữa tuần này.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, phần tổ chức thực hiện Dự thảo Nghị quyết đã quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.
Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát thực hiện nghị quyết, bảo về quyền lợi của người lao động.