(CMO) Đó là tình cảnh gần 1 năm nay của công nhân Xí nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản Nam Long (xã Trần Thới, huyện Cái Nước). "Đợi chờ” việc làm từng ngày, do lượng nguyên liệu không ổn định, xí nghiệp hoạt động cầm chừng nên mức lương còn khá khiêm tốn so với nhu cầu chi tiêu tối thiểu, công nhân phải "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu hằng ngày.
Chúng tôi đến khu tập thể công nhân Xí nghiệp chế biến xuất khẩu thuỷ hải sản Nam Long (xã Trần Thới, huyện Cái Nước) vào giờ nghỉ trưa. Khác với các nhà tập thể khác, vào giờ tan ca công nhân phải ồ ạt về nghỉ trưa thì nơi đây im lìm, khó khăn lắm mới tìm được một cửa phòng mở hé, chứng tỏ có người bên trong.
Khổ phận công nhân thời vụ
Chị P.T.N, công nhân xí nghiệp Nam Long, cho biết: “Đồng lương công nhân đã sống khá chật vật, thu nhập bình quân tháng tầm 2,4 triệu đồng, chưa tính tăng ca. Giờ phải sống cảnh đợi, cầu mong có tôm về để lột đặng có tiền mà sống qua ngày”.
Khu nhà ở tập thể của công nhân Xí nghiệp Nam Long ngày càng đìu hiu, vắng vẻ vì không còn công nhân ở. |
Dạo một vòng khu nhà tập thể khá rộng và lớn, tổng cộng có 3 dãy, 2 lầu trên dưới 40 phòng nhưng khi “ tổng” chủ hộ thì con số ấy không vượt quá 20 hộ.
“Trước khu này đông lắm, một phòng ở cả chục người nhưng xí nghiệp hoạt động ít dần, công nhân không có việc làm ổn định, đồng lương ngày càng bó hẹp do xí nghiệp cầm chừng giảm người để giữ lương nên thành ra khu tập thể trở nên vắng vẻ. Giờ 1 hộ ở 2, 3 phòng cũng dư”, chị P.T.N thông tin thêm.
Chỉ tay về căn phòng nhỏ của mình, chị T.T.L (công nhân xí nghiệp) bùi ngùi, đã làm công nhân hơn 10 năm, giờ lương ít quá không đủ sống, cả chục năm làm việc, của cải tích luỹ đáng giá là cái tủ lạnh và dàn tivi đầu đĩa để giải trí sau những giờ làm. Chồng chị T.T.L, trước đây cũng là công nhân Xí nghiệp Nam Long nhưng chán nên nghỉ việc, giờ ai mướn gì làm đó, thợ hồ, xe ôm, vác mướn…
Không chỉ có chị T.T.L mà hầu hết những công nhân số ít còn lại đang làm việc khi được hỏi đều buồn bã cho rằng, với tình cảnh hiện nay chắc không bao lâu nữa sẽ mất việc. Mặc dù làm việc “bữa làm bữa nghỉ” nhưng họ vẫn bám trụ bởi nếu nghỉ thì rất khó kiếm việc khác do không có nghề nghiệp. Hầu hết công nhân đều tỏ ra “thông cảm” và gắng chờ đợi công ty sẽ khởi sắc hơn.
Nhiều tồn tại…
Chuyện cắt giảm nhân sự, lương bổng, thậm chí phải nợ lương công nhân diễn ra ở nhiều xí nghiệp ,công ty thế. Và với mong mỏi có được việc làm ổn định, công nhân phải chịu đựng và đối mặt với muôn vàn khó khăn. Vì phần lớn thời gian làm việc, tăng ca đều ở công ty, bữa cơm trưa được xem là bữa chính của công nhân. Thế nhưng, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, nhiều bữa ăn trở nên khó nuốt trong khi họ phải làm việc cật lực.
Lao động vất vả trong môi trường độc hại, ăn uống thiếu thốn, nghỉ ngơi tạm bợ, do đứng nhiều và hoạt động trong môi trường lạnh nên số nhiều công nhân phải ôm bệnh sau nhiều năm làm việc.
Chị L.K.T công nhân Nam Long tâm sự, đã làm công nhân hơn 5 năm nhưng rất ít khi ăn cơm trong xí nghiệp, bởi “cơm bữa sống, bữa nhão, bữa “nặng mùi”, thức ăn thì ít ỏi trong khi đó cả ngày phải hoạt động liên tục, nên tranh thủ giờ nghỉ trưa về nhà nấu bữa cơm ăn cho chắc dạ”.
Được hỏi về những suất cơm tại xí nghiệp, chị L.K.T hài hước, “Không lẽ nói đổ bỏ thì tội quá nên tôi đem về cho gà, cho vịt ăn để… lấy lại vốn”.
Mặc dù đã chấp nhận làm việc trong môi trường khắc nghiệt nhưng những công nhân vẫn không được đảm bảo đầy đủ chế độ theo pháp luật. Chị L.K.T bức xúc: “Nghe nói là công nhân mỗi người đều có sổ bảo hiểm riêng nhưng từ trước tới nay có ai biết “mặt mũi” sổ đó là ra sao đâu, cũng không biết trong đó quy định những gì. Có người làm việc nghỉ hơn chục năm vẫn chưa được thanh lại tiền bảo hiểm”.
Đứng trước tình cảnh đợi chờ việc làm trong vô vọng, nhiều công nhân tự kiếm đường thoát hiểm bằng cách làm công nhật tại một số xí nghiệp khác với tiền công từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày, nhưng đây chỉ là phương án tạm thời vì nếu công ty biết chuyện công nhân làm thêm chỗ khác sẽ bị đuổi việc.
Việc tăng ca, làm việc quá số giờ, lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp nên mong mỏi chung của hầu hết công nhân là làm sao giảm thời gian tăng ca nhưng vẫn bảo đảm cuộc sống và không bị mất việc làm, hay phải làm chui kiểu… thời vụ nữa. Mọi chính sách bảo hộ, chăm lo cho công nhân phải được thực hiện đầy đủ là yêu cầu bức thiết nhất cho bộ phận lao động này.
Yến Nhi