| Cơ quan điều tra bắt tạm giam các đối tượng liên quan vụ án đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Công an cung cấp |
Thổi giá đất khiến nhiều phiên đấu giá “hỗn loạn” Thời gian qua xảy ra tình trạng một số cá nhân tham gia đấu giá đất trả giá rất cao nhưng rồi dừng lại khiến phiên đấu giá không thành công, gây hoang mang dư luận. Mới đây nhất là các vụ đấu giá đất ở huyện Thanh Oai và huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào cuối tháng 11/2024. Từ các vụ việc trên, dư luận đặt câu hỏi về động cơ, mục đích của các đối tượng cố ý phá phiên đấu giá và giải pháp xử lý triệt để vấn đề này? luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong các vụ việc gần đây sự, bất thường thể hiện ở chỗ, một số đối tượng bỏ giá đấu giá rất cao rồi dừng lại, khiến phiên đấu giá bị hủy bỏ. Chuyên gia pháp lý nhận định, xét góc độ ý thức chủ quan, đây là hành vi cố ý, có chủ định, có kế hoạch rõ ràng, lên kế hoạch từ đầu. Chắc chắn, phải có “lợi ích” nên các đối tượng mới liều làm như thế, chứ không ngẫu nhiên họ chấp nhận mất tiền đặt trước khi cố ý phá phiên đấu giá. Hành vi trên đã gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, khiến cho thị trường, giá đất trở nên “hỗn loạn”. Trong khi đó, người dân có nhu cầu mua đất với giá trị thực thì không thể tiếp cận để mua, hoặc phải chấp nhận mua lại giá cao của cò đất. Thực tế, đã có không ít vụ việc thổi giá cao rồi bỏ cọc không bị xử lý hình sự, khiến cho các đối tượng vững tin và càng lộng hành hơn. Dưới góc độ pháp luật, nếu không chứng minh được hành vi lập khống hồ sơ, thông đồng để dìm giá, nâng giá thì không thể quy trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính được quy định tại Điều 23, Nghị định 82/2020/NĐ-CP chỉ từ 7-10 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, thông thường việc bỏ cọc đấu giá đất cũng chỉ là giao dịch dân sự. Người tham gia đấu giá chấp nhận thiệt hại do liên quan đến tiềm lực tài chính hoặc có thể không còn nhu cầu mua nữa. Như vậy, việc bỏ cọc, không tham gia đấu giá là xuất phát từ ý muốn cá nhân. Tuy nhiên, cần xem xét trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu thông đồng, bàn bạc nhằm mục đích nâng giá hoặc dìm giá tài sản đấu giá nhằm thu lợi bất chính. Trong vụ việc tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, các đối tượng đã bàn bạc nhau chỉ mua lô đất ở mức giá 30 triệu đồng/m2. Nếu giá vượt qua mức trên, sẽ “phá” để không ai mua được lô đất đã nhắm tới khiến phiên đấu giá không thành công. Thực tế, phiên đấu giá đã bị hủy do một số đối tượng đã trả giá đến 30 tỷ đồng/m2 rồi xin dừng. Liên quan đến những dấu hiệu bất thường xảy ra trong cuộc đấu giá đất tại huyện Sóc Sơn, CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất” đồng thời, khởi tố 6 bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” quy định tại khoản 2 Điều 218, Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan chức năng xác định thủ đoạn của các đối tượng là vô cùng tinh vi và gây hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Ngăn chặn “thổi giá”, “phá” các phiên đấu giá Luật sư Đinh Thị Nguyên cho rằng, việc cố ý đẩy giá đất công lên mức cao bất thường rồi phá hỏng kết quả đấu giá còn là hành động phá hoại nguyên tắc công khai, minh bạch - yếu tố cốt lõi trong quản lý tài sản Nhà nước. Hệ lụy từ hành vi này không chỉ giới hạn ở lĩnh vực pháp lý mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Khi giá đất bị thao túng, giá trị thực của tài sản không còn được phản ánh đúng, dẫn đến các giao dịch tiếp theo trở nên khó khăn và thiếu tin cậy. Điều này cũng tạo ra mặt bằng giá ảo, khiến các nhà đầu tư chân chính gặp khó khăn trong việc tham gia vào thị trường. Hơn nữa, sự bất ổn trong giá đất còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch đô thị và sử dụng nguồn lực đất đai, gây lãng phí lớn cho xã hội. Trong Luật Đấu giá tài sản trước đây chưa sửa đổi thì phạt và bồi thường trách nhiệm chỉ gói gọn trong tiền cọc không có một chế tài kèm theo. Nếu làm đúng, xác định giá khởi điểm đúng thì điều này là chuẩn, đây cũng là chuẩn theo nguyên tắc quốc tế. Tuy nhiên, ở Việt Nam có quá nhiều những biến số, ẩn số, bất thường cho nên vừa qua Quốc hội đã sửa Luật Đấu giá tài sản là ngoài việc mất tiền cọc thì người vi phạm còn có thể áp dụng một số chế tài khác như: cấm trong một khoảng thời gian nhất định sẽ không được tham gia đấu giá và một số hoạt động trong lĩnh vực này sẽ bị hạn chế. “Những chế tài này thực sự chỉ có ý nghĩa với nhà đầu tư, tổ chức, doanh nghiệp khi thường xuyên tham gia hoạt động đấu giá sẽ giảm uy tín, thương hiệu, còn đối với người dân, cá nhân tham gia đấu giá đất như vừa được tổ chức ở huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn… gần như không có giá trị. Thực tế, người dân tham gia đấu giá không nhiều, thậm chí muốn tham gia có thể nhờ một cá nhân khác đứng tên để tham gia các cuộc đấu giá khác”, luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết. Vụ việc này cũng là bài học cho người dân và nhà đầu tư khi tham gia các phiên đấu giá tài sản công như: cần hiểu rõ giá trị thực của tài sản bằng cách tham khảo các giao dịch tương tự trong khu vực; cần kiểm tra kỹ tính pháp lý của tài sản, đảm bảo không có tranh chấp hoặc vướng mắc về quyền sở hữu; các giao dịch lớn nên được thực hiện qua hệ thống ngân hàng để đảm bảo minh bạch và tạo cơ sở pháp lý rõ ràng. Đặc biệt, việc tham vấn ý kiến luật sư trước khi tham gia đấu giá là cách tốt nhất để tránh rủi ro pháp lý và tài chính. “Vụ việc trả giá 30 tỷ đồng/m² đất ngoại thành không chỉ là một câu chuyện pháp lý mà còn là bài học quan trọng về quản lý tài sản công. Nó nhấn mạnh rằng, trong một thị trường bất động sản đang phát triển như Việt Nam, sự minh bạch và công bằng không chỉ là yếu tố đảm bảo tính ổn định mà còn là nền tảng để xây dựng niềm tin của xã hội vào hệ thống pháp luật. Việc nâng cao năng lực giám sát, áp dụng công nghệ, và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là chìa khóa để đảm bảo một thị trường bền vững và hiệu quả”, luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết. Trước nguy cơ các trường hợp trúng đấu giá cao bất thường có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21/8/2024 chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Thực hiện chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cử đoàn kiểm tra đột xuất nắm tình hình và báo cáo về công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện Thanh Oai và Hoài Đức. UBND TP Hà Nội cũng đã kịp thời ra văn bản chỉ đạo một số sở, ngành kết hợp kiểm tra toàn bộ việc đấu giá đất, kịp thời phát hiện, xử lý kiên quyết đối với các vi phạm pháp luật (nếu có). |
(còn nữa) | Kỳ 1: Đồng bộ khung pháp lý cho hoạt động đấu giá tài sản |
|