Chiều ngày 18/2 tại Hà Nội,ựbáokinhtếnămcủaViệtNamtăngtrưởkqbd tr Bộ Ngoại giao phối hợp với Ngân hàng Standard Chartered tổ chức tọa đàm: “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh”, nhằm trao đổi, thảo luận về tương lai kinh tế toàn cầu và Việt Nam năm 2022 và vấn đề tài chính xanh.
Đại diện Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered tại sự kiện. Ảnh: LV |
Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực
Tại sự kiện, Ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2022. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered, nhận định nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I/2022. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực.
Ông Tim Leelahaphan cho biết, trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khảo sát cho thấy, có tới 60% câu trả lời của người tham gia đều tin tưởng rằng, Việt Nam vẫn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Có thể có những gián đoạn trong cung ứng hậu cần trong ngắn hạn, nhưng sau Covid, vai trò của Việt Nam sẽ sớm được khẳng định.
Theo vị chuyên gia kinh tế này, chi phí lương gia tăng ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc hoặc sử dụng chiến lược “Trung Quốc + 1”. Quá trình này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn và Việt Nam có thể sẽ tiếp tục là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% trong năm 2022 và đạt mức 7% trong năm 2023.
Lo ngại lạm phát đang gia tăng
Tại sự kiện, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng nhận định, Việt Nam đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch bệnh, có tỷ lệ bao phủ vắc-xin thuộc nhóm 6 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng đã bắt nhịp nhanh và kịp thời với các dòng chảy của kinh tế thế giới như tăng trưởng xanh, có cơ hội đẩy mạnh hợp tác, thu hút nguồn lực bên ngoài kết hợp với nguồn lực trong nước phục vụ phục hồi và phát triển…
Tuy vậy, thách thức đặt ra cũng rất lớn đối với sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Đó là rủi ro của kinh tế thế giới như lạm phát, các thách thức phi truyền thống…, cũng như những thách thức với kinh tế Việt Nam như: lạm phát trong nước, nợ xấu, khả năng bắt nhịp nhưng không bứt phá trong quá trình phục hồi và tận dụng các xu thế mới…
Ông Tim Leelahaphan cũng chia sẻ nhận định về các thách thức đối với quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam. Theo đó, Covid-19 có thể tạm thời làm chậm sự phát triển trung hạn, làm tăng lạm phát.
Cụ thể, sự phụ thuộc vào đầu vào sản xuất và nguyên liệu thô từ nước ngoài tạo ra những rủi ro và có thể trở nên nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của Covid-19. Nếu làn sóng hiện tại tiếp tục (nghiêm trọng hơn do Omicron), nguồn tài chính có thể được phân bổ lại cho những khoản chi tiêu liên quan đến đại dịch thay vì chi tiêu cho phát triển, sẽ có tác động tới tăng trưởng của Việt Nam.
Lo ngại lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh các yếu tố từ phía cung do sự gián đoạn liên quan đến Covid-19, áp lực nhu cầu. Theo ông Tim Leelahaphan, lạm phát trong năm nay sẽ ở mức khoảng 4%, khi nền kinh tế phát triển thì lạm phát trong năm 2023 sẽ là quan ngại hơn với mức trên 5%, cụ thể là 5,5%.
Bên cạnh đó, Covid-19 khiến việc ổn định giá cả trở nên khó khăn hơn. Cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả là một thách thức đối với Việt Nam vì tăng trưởng được ưu tiên hơn là kiềm chế lạm phát. Do đó, giá cả và sự bất ổn tài chính cần được giải quyết.
Ông Tim Leelahaphan nhận định, lạm phát có thể được đẩy nhanh do bùng phát Covid-19 kéo dài, làm giảm tính linh hoạt trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sự thay đổi toàn cầu theo hướng thắt chặt tiền tệ cũng hạn chế sự linh hoạt trong chính sách của NHNN.
Đồng thời, việc tăng lãi suất toàn cầu có thể sẽ còn kéo dài trong vài năm tới, khiến chi phí đầu tư của các doanh nghiệp tăng cao. Tỷ giá thấp trong nước có thể thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước tiếp tục tìm kiếm lợi suất, làm nảy sinh lo ngại về sự ổn định tài chính. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng đột biến, đặc biệt là các công ty bất động sản và các công ty đi vay với lãi suất cao cũng là một vấn đề đáng lo ngại.
Xung quanh vấn đề lãi suất, vị chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cho biết, ông kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 4% để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong suốt năm 2022, hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau Covid-19. Nhưng khi lạm phát trong năm 2023 tăng cao, thì lãi suất được dự báo cũng sẽ tăng lên mức khoảng 4,5%. Đây là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách cần theo dõi để có các chính sách phù hợp./.