Chủ yếu là hàng cũ
Hiện nay, Cục Hải quan TP Hải Phòng đang triển khai quyết liệt để giải quyết hàng hóa tồn đọng tại các cảng. Từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị mới xử lý được hơn 700 container hàng tồn đọng.
Tính đến tháng 10/2015, tại cảng Hải Phòng tồn đọng 4.410 containers hàng hóa các loại, phần lớn là hàng hóa tồn đọng từ năm 2013.
Trong đó chủ yếu là mặt hàng lốp ô tô đã qua sử dụng (2.172 containers), còn lại là hàng hóa khác như quần áo đã qua sử dụng; thiết bị, vật tư cho ngành đóng tàu; màn hình máy tính đã qua sử dụng; phế liệu các loại (2.238 containers).
Theo Hải quan Hải Phòng, từ năm 2012 đến nay, đơn vị cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan để thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý hàng hóa tồn đọng.
Căn cứ vào hướng dẫn theo Thông tư số 203/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về xử lý hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, đơn vị đã triển khai các giải pháp nghiệp vụ tới các chi cục hải quan cửa khẩu và đội kiểm soát hải quan; thành lập Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng thường trực và Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là các lô hàng lốp ô tô đã qua sử dụng.
Theo Cục Hải quan TP Hải Phòng, đơn vị đã có nhiều biện pháp tích cực để xử lý, tuy nhiên số lượng hàng hóa tồn đọng lớn, chủng loại đa dạng, phức tạp do đó trong quá trình kiểm kê, xử lý theo Thông tư 203 còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc.
Chủ yếu khó khăn do các hãng tàu, đại lý vận tải và các doanh nghiệp quản lý hàng hóa (các đơn vị kinh doanh kho, bãi, cảng) chưa phối hợp đầy đủ trong việc xuất trình hàng hóa để kiểm kê, phân loại theo quy định.
Số lượng hàng hóa tồn đọng lớn, có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng, giá trị thương mại trong khi chi phí cho việc kiểm kê, phân loại cao. Công chức hải quan mất rất nhiều thời gian để kiểm đếm, phân loại chính xác số lượng hàng hóa trong mỗi container.
Khuyến khích DN tái xuất hàng tồn đọng
Hiện nay, Hải quan TP. Hải Phòng đã tập hợp các vướng mắc và thực trạng hàng tồn đọng tại cảng thuộc khu vực Hải Phòng báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, UBND TP. Hải Phòng đề xuất hướng xử lý và chủ động lập các kế hoạch triển khai.
Theo đó, trong quá trình xử lý hàng nhập khẩu tồn đọng cần khuyến khích việc các DN tái xuất, vận chuyển ra khỏi lãnh thổ.
Đối với việc xử lý bán các lô hàng lốp cao su đã qua sử dụng và phế liệu, ngoài các công ty đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép mua, tiếp tục mở rộng đối tượng được mua là các DN có đủ điều kiện nhập khẩu hoặc đủ điều kiện xử lý làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Hải quan TP. Hải Phòng tiếp tục đăng tải thông tin để tìm chủ sở hữu các lô hàng tồn đọng trên các phương tiện truyền thông.
Mặt khác, căn cứ vào chứng từ vận tải để kiểm kê, phân loại hàng hóa; tham khảo thông tin để định giá hàng hóa tồn đọng, thực hiện các thủ tục theo quy định để bán thanh lý với hàng hóa đã được xác lập quyền sở hữu nhà nước.
Thực hiện quyết liệt các biện pháp vận động, tuyên truyền các đơn vị đại lý hãng tàu, đại lý vận tải và doanh nghiệp quản lý hàng hóa phối hợp thực hiện kiểm kê, phân loại và xử lý hàng hóa tồn đọng theo đúng quy định…/.
Để giải quyết triệt để tồn đọng containers, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã có văn bản 4405/HQHP-KS 16/6/2015 đề xuất với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hải Phòng… phương án xử lý đặc thù, theo hướng linh hoạt và rút ngắn các bước xử lý đối với các lô hàng… |
Hải Anh