ASEAN đang đối mặt với những thách thức trong quá trình chuyển đổi công nghệ, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với bất ổn địa chính trị gia tăng và cạnh tranh ngay trong nội bộ khối trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu ảnh hưởng bởi sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, lạm phát tăng cao, hai cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas, biến đổi khí hậu... Các quốc gia ASEAN hiện đang chủ động thích ứng và chuyển đổi công nghệ, cùng với phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Bước sang năm 2024, các nước cần nhanh chóng tăng cường xây dựng các nhà máy thông minh, mở rộng số lượng các công ty tầm trung trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đạt được sự đồng thuận về khung chính sách, cũng như quản lý Trí tuệ nhân tạo (AI). Thách thức và cơ hội thứ hai liên quan đến các xung đột chính trị xung quanh khu vực ASEAN. ASEAN đang ngày càng lớn mạnh và các quốc gia thành viên có thể hợp tác cùng nhau để đảm bảo hòa bình, an ninh ở khu vực, cũng như thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư. Vai trò trung tâm của ASEAN cần sự hợp tác của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc và Nga. ASEAN cần tiếp tục hợp tác với Trung Quốc và các đối tác thương mại quan trọng khác dựa trên nguyên tắc trung lập. Hiện nay, mặc dù tất cả các nước ASEAN đều thiết lập quan hệ với Trung Quốc, song để đạt được lợi ích lớn nhất, các quốc gia trong khu vực cần thúc đẩy khái niệm ASEAN+, trong đó tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia châu Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Về mặt nội bộ, các nước ASEAN cần tăng cường phối hợp và bổ sung lẫn nhau như khi một thành viên ASEAN nhận được dòng vốn FDI, các quốc gia khác cần tính toán đến hiệu ứng lan tỏa, qua đó trở thành một phần của chuỗi cung ứng để mang lại lợi ích kinh tế cho mỗi nước. Các nước ASEAN cần có sự chuyển đổi trong tư duy, từ “trò chơi có tổng bằng 0” sang bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau bởi sự chênh lệch giữa các nền kinh tế trong ASEAN sẽ bộc lộ nhiều rạn nứt hơn và khiến tổng thể kinh tế khu vực suy yếu, qua đó dễ bị tổn thương trước những tác động từ bên ngoài. Thách thức thứ ba là mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hiện nay. Theo quy định đã được nhất trí tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ngành công nghiệp đang phải đối mặt với nhiều áp lực về chuyển đổi công nghệ và lên phương án chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng với những quy định chặt chẽ hơn. Cuối cùng, mục tiêu chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp nhiều ngành, lĩnh vực mới phát triển, song cũng khiến nhiều lĩnh vực truyền thống bị ảnh hưởng. Do đó, cần có sự chuyển đổi công bằng để không gây tổn hại đến sự phát triển của các quốc gia, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình. Các quy định đối với mục tiêu phát triển kinh tế xanh cần có sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á – nơi đang phải gánh chịu nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu. Quan điểm này cần được ưu tiên thảo luận trong các chương trình nghị sự của ASEAN trong thời gian tới. |