Thị trường ô tô: Tạm đóng không lo, chỉ lo sức mua giảm | |
Thị trường ô tô tháng đầu năm: Giảm mạnh | |
Cuối năm ô tô giảm giá “bất thường”, khách hàng hưởng lợi |
Khánh hàng đang ngóng chờ những đợt giảm giá sâu thị trường ô tô. Ảnh minh họa |
Doanh số thấp nhất trong vòng 5 năm
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều ngành kinh doanh sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ô tô không ngoại lệ. Điểm đáng lo ngại nhất của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất ô tô hiện nay là doanh số đang sụt giảm mạnh, thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) quý I/2020, số xe bán ra của VAMA đạt 50.009 xe, giảm 33% so với cùng kỳ 2019, là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Nếu cộng thêm doanh số của TC Motor, hãng phân phối xe Hyundai (15.362 xe), toàn thị trường trong quý I/2020 tiêu thụ tổng 65.371 xe, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng ô tô sản xuất tháng 4 ước đạt 6,9 nghìn chiếc, giảm 61,4% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng ô tô sản xuất đạt khoảng 61,4 nghìn chiếc, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Với xe lắp ráp, lượng tồn kho trong quý I/2020 tăng 122,5% so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, xe nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm giảm hơn 30% so với năm ngoái.
Trong bức tranh giảm chung của toàn thị trường, doanh số bán xe của tất cả các thương hiệu xe con đều sụt giảm. Những thương hiệu thường có doanh số tốt như Toyota, Ford, Thaco (Kia, Mazda), Mitsubishi sau giai đoạn này đều sụt giảm. Trong đó sau nhiều năm, lần đầu Thaco không có một sản phẩm nào góp mặt trong danh sách top xe bán chạy nhất thị trường. Tính đến hết tháng 3/2020, các thương hiệu giảm lần lượt Peugeot -56%, Mazda -49%, Ford -48%, Honda -39%, Toyota -28%, Hyundai -9,1%.
Hy sinh lợi nhuận
Không chỉ dừng ở 4 tháng đầu năm, phân tích dự báo từ Bộ Công Thương cho thấy, những tháng tiếp theo, một số ngành sản xuất kinh doanh, trong đó có ô tô sẽ tiếp tục gặp khó. Kinh doanh sản xuất ô tô đang chịu tác động kép, sản xuất khó khăn do nguồn cung cấp nguyên phụ liệu bị ngắt quãng và tiêu thụ giảm mạnh tồn kho tăng cao.
Hiện các hãng đều đang điều chỉnh kế hoạch bán hàng và cắt lãi để đẩy hàng tồn. Trong đó đẩy hàng tồn đã sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu. Và để không tạo thêm áp lực cho đại lý, nhiều hãng cắt ngang sản xuất của từng mẫu xe, không theo đuổi con số đặt ra ban đầu. Tuy vậy việc này không dễ, bởi kế hoạch mua sắm linh kiện được lên từ trước đó nhiều tháng, bên cạnh đó còn phải cân đối giữa các yếu tố khác như nhân công, tài chính, lợi nhuận...
Sản xuất đã vậy, nhập khẩu cũng khó có thể “ngưng” giữa chừng vì các đơn hàng đã được lên kế hoạch và đặt trước từ 3-6 tháng, nên hàng vẫn về, xếp trong kho. Chưa nói đến hiện các nhà máy trên thế giới đã hoạt động trở lại, xe ở Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang trong cảnh thừa. Lượng xe này nhanh chóng được đẩy về Việt Nam, trong đó nhiều dòng xe đến từ thị trường có mức thuế nhập khẩu bằng 0%.
Hy sinh lợi nhuận giảm giá là chiêu thức các hãng và đại lý áp dụng để thúc đẩy doanh số. Liên tiếp trong thời gian qua, thị trường liên tục tiếp nhận các thông tin khuyến mại, tăng quà, ưu đãi, giảm giá đến từ các thương hiệu ô tô từ bình dân đến trung, cao cấp. Trong đó có những hãng, vốn luôn có sản phẩm tiêu thụ đứng đầu như Toyota, Ford, Honda… với mức giảm khá lớn cũng nhiều ưu đãi, quà tặng đi kèm.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng hàng tiêu thụ không đạt được như mong muốn. Nguyên nhân quan trọng lại đến từ tâm lý khách hàng đang muốn chờ đợi những thông tin hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước và việc các hãng không chịu được áp lực hàng tồn, tiếp tục giảm giá nữa.
Sản xuất ô tô đang gặp khó khăn do lượng tiêu thụ giảm mạnh. |
Ông lớn chơi đòn “mạnh”
Tâm lý hạn chế chi tiêu và ngóng chờ giảm giá sâu khiến thị trường ô tô đang dần đóng băng.
Ngày 6/5, thị trường ô tô bị tác động mạnh trước thông tin VinFast, thương hiệu ô tô Việt Nam công bố giảm giá hàng trăm triệu đối với hai mẫu được hãng định vị ở phân khúc hạng sang là Lux A2.0 và SA2.0. Mẫu hatchback hạng A, VinFast Fadil không thay đổi giá niêm yết 415 triệu trong lần điều chỉnh lần này. Tuy nhiên hiện các đại lý áp dụng mức giảm 10% cho khách hàng mua Fadil bằng hình thức trả thẳng.
Tuy mức giảm này chỉ được áp dụng trong tháng 5 và khách hàng phải trả thẳng 100% giá trị xe, song động thái “giảm cả trăm triệu đồng” của ông lớn này đủ chấn động thị trường. Là bởi từ tháng 11/2008 đến nay, hai mẫu Lux A2.0 và SA2.0 của thương hiệu này liên tiếp tăng (4 lần) chưa từng một lần giảm.
Mức giảm lớn lần này đưa Lux A2.0 rẻ hơn các xe phân khúc D như Toyota Camry, Honda Accord. Với dòng SA2.0, giá bán sau khi giảm còn nhỉnh hơn nhiều SUV hạng D như Toyota Fortuner, Hyundai Santa Fe, Ford Everest.
Ở những lần trước, bất chấp các đối thủ giảm giá để kích cầu, VinFast kiên trì với lộ trình tăng giá đã đề ra từ 2018. Lần này, VinFast không chịu được “nhiệt” đã phải giảm, lại giảm mạnh, động thái này của VinFast rõ ràng khiến các đối thủ lo lắng.
Chưa kể nhiều thông tin cho thấy thương hiệu Việt này tiếp tục chuẩn bị tung ra một chương trình lớn liên quan đến chính sách mua bán xe cũ (các thương hiệu) và hỗ trợ chi phí khách hàng mua xe mới (của Vinfast).
Do vậy khách hàng không khỏi hồi hộp ngóng chờ, dự đoán động thái tiếp theo của các ông lớn luôn dẫn dắt cuộc chơi như Thaco, TC Motor, Toyota… Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, đại diện các hãng một mặt than khó khăn, mặt khác lại rất dè dặt khi nói về chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới.
Bởi thực tế cho thấy từ giờ tới cuối năm, nếu không muốn ôm hàng tồn để “chết”, các hãng buộc phải giảm giá. Nhưng giảm bao nhiêu để kích thích được khách hàng mua sản phẩm và bản thân không “tự sát” là bài toán khó.
Trong khi đó tâm lý khách hàng Việt Nam, vốn thường là: khi các hãng đua nhau giảm giá, lại muốn ngóng chờ mức giảm sâu hơn. Nên câu hỏi đặt ra là giá giảm bao nhiêu thì sẽ thúc đẩy doanh số?
Vì vậy phá tan tâm lý chờ đợi của khách hàng mới là điều cần làm trước tiên.