Bình Định:
Hai học sinh sáng chế máy bào lạt tre "chấp" 5 thợ thủ công
Doãn Công(Dân trí) - Trong một ngày, máy bào lạt tre do 2 học sinh lớp 9 ở Bình Định sáng chế chẻ được hàng chục cân lạt, bằng 5 người bào thủ công.
Máy bào lạt tre của 2 học sinh Nguyễn Văn Tú và Nguyễn Thanh Phương (lớp 9 9A3, Trường THCS Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định) vừa đoạt giải Nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 18 - năm 2022, tại Hà Nội.
Theo em Nguyễn Văn Tú, ý tưởng chế tạo chiếc máy này xuất phát từ thực tiễn nhu cầu địa phương về các phụ liệu như cọc tre và lạt tre để tạo dáng, thế cho cây cảnh ở thủ phủ mai vàng Bình Định.
"Để có những cọng lạt tre mỏng, dẻo, người dân chẻ lạt thủ công bằng rựa hoặc dao vừa mất thời gian vừa có thể bị rủi ro đứt tay. Xuất phát từ thực tế này, chúng em ấp ủ một mong muốn là có thể tạo những máy móc để thực hiện nhanh chóng, hiệu quả mà an toàn cho người dân", Tú nói.
Sau khi nảy ra ý tưởng thú vị về chiếc máy bào lạt tre, Tú và Phương đã trao đổi với thầy giáo Tô Thanh Việt - giáo viên bộ môn Vật lý ở Trường THCS Cát Thắng.
Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy, 5 tháng sau, chiếc máy bào lạt đã hoàn thành với 4 chức năng gồm cưa ống, bổ ống, bóc ruột và bào lạt.
Theo Tú chia sẻ, với công suất hiện tại máy có thể tạo hàng chục kilogam lạt/ngày, tương đương năng suất của 5 người bào thủ công.
Đặc biệt, máy được làm chủ yếu từ những vật liệu tái chế, vừa tiết kiệm chi phí vừa thân thiện với môi trường bao gồm mô tơ, hộp số xe máy, khung, đĩa, xích.
Máy sử dụng điện 220V, không có khí thải, không tạo chất thải gây hại cho môi trường. Động cơ và các thiết bị truyền động được bao phủ che chắn, đảm bảo an toàn điện, an toàn vận hành.
Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bình Định, đánh giá giải pháp máy bào lạt phục vụ cho làng nghề mai vàng Bình Định có tính sáng tạo, khả năng ứng dụng, phục vụ trong đời sống, sản xuất rất tốt.
Thầy giáo Tô Thanh Việt chia sẻ, trước ý tưởng có tính ứng dụng thực tiễn tại địa phương của các học sinh, thầy hướng dẫn các em phương pháp sáng chế sản phẩm.
Sản phẩm hoàn thành và được đánh giá tốt, cả thầy và trò đều vui. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn còn những hạn chế nhất định.
"Có thời gian chúng tôi sẽ khắc phục để chiếc máy hoàn thiện hơn, hạn chế phần phế phẩm, máy móc vận hành trơn tru hơn", thầy Việt nói.
Ông Lê Tấn Đạt, Hiệu trưởng THCS Cát Thắng, cho hay trong những năm qua, nhà trường rất quan tâm phát động phong trào thi đua nghiên cứu khoa học. Qua đó, tạo có sân chơi bổ ích cho học sinh vừa học, vừa hành.
Thầy và trò khi tham gia nghiên cứu khoa học có thêm những trải nghiệm thú vị, việc dạy học ở trường ngày càng hiệu quả. Điều này đúng định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.