游客发表
发帖时间:2025-01-25 19:53:53
Ảnh minh họa |
Krishna Srinivasan, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thể hiện mong muốn hội nhập sâu hơn trong khu vực châu Á, bất chấp sự cản trở của quá trình toàn cầu hóa trong những năm gần đây.
Ông Srinivasan nói: "Trong vài năm gần đây, xu hướng phi toàn cầu hóa đã xuất hiện. Nhưng điều mà việc ký kết RCEP cho thấy đó là châu Á vẫn mong muốn hội nhập sâu rộng hơn. Điều này có tiềm năng thúc đẩy hoạt động thương mại, đầu tư và tăng trưởng”.
Ông lưu ý việc triển khai thành công RCEP cũng sẽ giúp hội nhập kinh tế trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường chuỗi cung ứng khu vực.
Quan chức IMF này cũng nhấn mạnh rằng: "Điều rất quan trọng đối với tất cả các nước là tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đa phương về thương mại, bao gồm cả thông qua cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới".
Theo dự báo mới nhất của IMF, Tổng sản phẩm quốc nội của châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 4,9% vào năm 2022, thấp hơn 0,5 điểm phần trăm so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1, chậm hơn tốc độ tăng trưởng 6,5% của năm ngoái.
Srinivasan cho biết, xung đột đã tác động đến tăng trưởng của châu Á theo 3 cách: Thứ nhất, đẩy giá hàng hóa lên cao, khiến lạm phát ở nhiều nước tăng đáng kể; Thứ hai, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở châu Âu, dẫn đến suy giảm nhu cầu bên ngoài đối với châu Á; Thứ ba, cũng làm trầm trọng thêm việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu, tác động đến các quốc gia châu Á, đặc biệt là những quốc gia có nền tảng cơ bản yếu và mức nợ công cao.
Trong hoàn cảnh hiện tại, quan chức IMF cảnh báo rằng có một sự "đánh đổi" giữa việc cung cấp hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương và củng cố tài khóa trung hạn, vì nợ công đang tăng lên.
Nợ công của châu Á hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu, so với tỷ lệ tương ứng 25% của năm 2007.
Mặc dù thách thức đối với mỗi quốc gia là khác nhau, song ông Srinivasan kêu gọi các nhà hoạch định chính sách "điều chỉnh" các chính sách tài khóa và tiền tệ "tùy thuộc vào tác động đến hoạt động và lạm phát" của từng nước./.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接