Lợi dụng thông tin quy hoạch đẩy “sóng” thị trường bất động sản | |
Bộ Xây dựng yêu cầu địa phương công khai đồ án quy hoạch | |
Nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi đón sóng hạ tầng phía Đông Hà Nội |
Hiện nay, việc điều chỉnh cục bộ tại một số dự án còn tùy tiện |
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ tại một số dự án còn tùy tiện, có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật diễn ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM khiến quy hoạch bị “băm nát”...
Về vấn đề này, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, vài năm trở lại đây, ở các đô thị như Hà Nội, TPHCM, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ thường diễn ra.
Theo đó, nhiều nhà cao tầng được xây chen vào nội đô, diện tích đất cây xanh, công viên, không gian công cộng bị thu hẹp, hệ thống giao thông công cộng phát triển thiếu đồng bộ, gây ách tắc trong giao thông, mất kiểm soát về dân số đô thị…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trước hết, khi lập quy hoạch chung, đã không dự liệu hết khả năng phát triển của thành phố, số liệu đầu vào lập quy hoạch chưa đầy đủ, quy hoạch tầm nhìn nặng về ý chí, lãng mạn, rất xa với thực tiễn và khả năng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển.
Vì vậy, theo KTS Phạm Thanh Tùng, việc phải điều chỉnh cục bộ nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung đã được duyệt để đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tế là cần thiết.
Tuy nhiên, trong quá trình điều chỉnh, nhiều quy hoạch cục bộ đã có sự tác động của các nhà đầu tư bất động sản vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, lợi ích nhóm, làm thay đổi đến nhiều chỉ tiêu về dân số, về mật độ xây dựng, về không gian công cộng… của quy hoạch chung. KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, đây là một bất cập lớn và vẫn đang xảy ra.
Cũng theo đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chương trình cải tạo hàng ngàn nhà tập thể cũ xây dựng trước 1980 tiến hành quá chậm, mới được khoảng hơn 1% số nhà cần phải xây dựng lại.
Bên cạnh đó, nhiều dự án không thực hiện theo quy hoạch, thậm chí còn để hoang gần 20 năm không thực hiện nhưng không có chế tài xử lý, thu hồi, gây thất thoát ngân sách nhà nước và lãng phí tài nguyên đất đô thị.
Công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị còn yếu kém, chậm đổi mới; nhiều văn bản pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật liên quan còn chồng chéo gây khó khăn cho chính quyền khi thực hiện và là lỗ hổng để tham nhũng đất đai, lợi ích nhóm.
Để khắc phục tình trạng này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, riêng đối với Hà Nội, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung lần này là cơ hội để Hà Nội khắc phục những tồn tại, bất cập của quy hoạch trước đây với mục đích cao nhất vì hạnh phúc bền vững của nhân dân và của thành phố trong thời kỳ phát triển mới.
Bên cạnh đó, cần quyết tâm thực hiện có kế hoạch việc cải tạo chung cư cũ tạo niềm tin cho xã hội, cải thiện chỗ ở cho nhân dân, góp phần chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại.
Đồng thời, hoàn thành các dự án giao thông chính và các tuyến đường giao thông đô thị; hoàn thành 18 cây cầu qua sông Hồng để phát triển đô thị về phía Đông và phía Bắc sông Hồng.
Cùng với đó, kiên quyết quản lý và kiểm tra, thanh tra công tác thực hiện quy hoạch đã được duyệt; hạn chế tối thiểu việc điều chỉ quy hoạch cục bộ nếu không vì lợi ích của cộng đồng, của nhân dân, phù hợp với pháp luật.