游客发表
发帖时间:2025-01-11 05:47:35
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Dương Giang) |
Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long Lê Văn Thành. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; Đại sứ, lãnh đạo tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học; các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước.
Đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp
Hội nghị nghe công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe giới thiệu các điểm mới nổi bật và ý nghĩa của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng triển khai thực hiện.
Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược như phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế-xã hội-môi trường; lấy "con người" làm trung tâm.
Biến thách thức thành cơ hội, "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn;" chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị. Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, lấy công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
Thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản- trái cây-lúa gạo phù hợp với thị trường. Chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; phấn đấu đến năm 2030 vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Quy hoạch nêu rõ việc tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp; phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền-sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gần với phát triển cảng biển Trần Đề.
Quy hoạch cũng chú trọng bảo tồn các cảnh quan, sinh thái, văn hóa lịch sử, văn hóa dân tộc, văn hóa sông nước đặc thù của vùng. Đặc biệt là thành lập và vận hành hành lang đa dạng sinh học ở khu vực ven biển từ Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; mở rộng giao thương với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong nhằm khơi thông, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Tầm nhìn và mục tiêu quy hoạch là phát triển Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, hiện đại, sinh thái, văn minh, mang đậm đà bản sắc văn hóa. Đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
Quy hoạch tỉnh và hạ tầng đi trước
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị: tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chinh trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |
Các nhiệm vụ, giải pháp trên được cụ thể hóa thành 47 chỉ tiêu, nhiệm vụ và dự án cụ thể, gồm 14 chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2030; 26 nhiệm vụ, đề án và 7 dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, trong đó giao nhiệm vụ cho các địa phương trong vùng khẩn trương lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Với tầm nhìn, định hướng phát triển vùng được xác định rõ ràng, nhất quán, các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đang được tập trung đầu tư quy mô lớn và đồng bộ, các doanh nghiệp và nhà đầu tư có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, gia tăng đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp kết hợp du lịch, nông nghiệp giá trị cao; công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành hỗ trợ cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi số; dịch vụ vận tải logistics; dịch vụ y tế, giáo dục; du lịch và bất động sản.
Các bộ, ngành, địa phương chung tay thúc đẩy phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Tại hội nghị, các Bộ trưởng, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước; Đại sứ, lãnh đạo tổ chức quốc tế tại Việt Nam có các tham luận làm rõ hơn các vấn đề nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Trong số đó tập trung các vấn đề như tái cơ cấu nông nghiệp và thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2022-2030; xúc tiến thương mại phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và định hướng phát triển năng lượng tái tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long; văn hóa, thể thao, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 - Thế mạnh và khả năng thúc đẩy liên kết vùng.
Các đại biểu cũng tham luận về vai trò, vị trí của Cần Thơ là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong liên kết phát triển vùng; Liên kết phát triển giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng hành, hỗ trợ, hợp tác phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hội nghị này và các hoạt động liên quan có ý nghĩa quan trọng, mang nhiều kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thiết thực nhằm cụ thể hóa, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045.
Thủ tướng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc," cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn. Tuy vậy, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức; chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình; phần đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước có sự quan tâm đặc biệt, ban hành nhiều nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Cùng với đó, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ - trung tâm của vùng gồm Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
"Chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức đầy đủ, tập trung. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tổ chức thực hiện làm sao để chủ trương, chính sách đó có hiệu quả nhất để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long," Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp-xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao. Nhiệm vụ đặt ra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hết sức nặng nề.
Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước
Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo và ý kiến phát biểu của các đồng chí. Với tinh thần "Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước" như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Thủ tướng chỉ đạo phải theo dõi sát, nắm chắc tình hình và yêu cầu thực tiễn để chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời; xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu thì phải chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó. Phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ...
Thực hiện 5 thật
Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phát để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới, đó là: Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, hiệu quả cao, giá trị gia tăng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến…; phát triển kinh tế biển, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng hỗ trợ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng như hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, giáo dục, y tế, chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Trước mắt, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung thực hiện thật tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Các địa phương, các ngành phối hợp tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt việc thực hiện để từ nay đến cuối năm giải ngân đạt 100%. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hoá, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; chân tình, cởi mở, phóng khoáng của người dân. Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Cũng theo Thủ tướng, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới. Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
"Tinh thần là nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thật. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực," Thủ tướng yêu cầu.
Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đối tác phát triển, các nhà khoa học, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong các hoạt động phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thịnh vượng và thích ứng với biến đổi khí hậu; tích cực hỗ trợ từ quá trình xây dựng quy hoạch đến tài trợ các chương trình, dự án ODA, vay vốn ưu đãi nước ngoài nhằm triển khai thực hiện quy hoạch vùng, địa phương; nghiên cứu, tìm thấy và khai thác, tận dụng cơ hội để phát triển, tham gia sâu vào những ngành kinh tế được xác định là trọng tâm, ưu tiên của vùng trong một chiến lược mang tính dài hạn.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực truyền thông, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, về tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh, thành phố nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; góp phần tích cực vào quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của các bạn bè quốc tế, trong thời gian tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; thu nhập của người dân ngày một nâng cao; người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tại hội nghị diễn ra lễ trao hồ sơ quy hoạch phát triển Đồng bằng sông Cửu Long cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố trong vùng; công bố cam kết tài trợ thực hiện 20 chương trình, dự án phát triển hạ tầng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của 6 ngân hàng, tổ chức tài chính, với tổng số hơn 2,2 tỷ USD; trước đó đã khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật "Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển."
Để có cái nhìn tổng quát và thực tế thực hiện quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030; chiều 20/6, từ máy bay trực thăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát quy hoạch phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển kết cấu hệ thống cầu, đường giao thông, cảng biển; phát triển dân cư, đô thị, công nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu...
Trong số đó, Thủ tướng đặc biệt quan tâm hướng tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Sau khi khảo sát, Thủ tướng yêu cầu, tuyến đường phải được xây dựng theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể; không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng và tạo ra không gian phát triển mới./.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接