Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” tại Quyết định số 689/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/6/2022 đã nêu rõ kế hoạch hành động của ngành ngân hàng bao gồm các nội dung như xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC). Vì thế, NHNN đã đề ra kế hoạch hành động thực hiện là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Về các giải pháp hỗ trợ về điều hành chính sách tiền tệ, NHNN yêu cầu tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngành ngân hàng; nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng; tăng cường công tác truyền thông. Về giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, kế hoạch hành động của ngành ngân hàng đã đề ra các nội dung cụ thể về nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh, hiện đại hóa ngân hàng, phát triển mô hình ngân hàng số… cùng với đó là những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC. Trước đó, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 cơ bản đã đạt được, trong đó quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành tiếp tục được củng cố, nâng cao… Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới và trong khu vực thì tiềm lực tài chính của toàn hệ thống tổ chức tín dụng của Việt Nam vẫn thấp. Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất là vào khoảng 3,8 tỷ USD, mức này thấp hơn rất nhiều so với một số nước trong khu vực ví dụ như Malaysia, Singapore, mức vốn chủ sở hữu của ngân hàng lớn nhất cũng phải 14-19 tỷ USD. Vì thế, thời gian tới, NHNN đề xuất với các cấp có thẩm quyền là trong quá trình tái cơ cấu hệ thống, các tổ chức tín dụng thống cần phải tăng vốn, củng cố tiềm lực về vốn trong hoạt động. Theo NHNN, đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 170 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 6.719,44 nghìn tỷ đồng, tăng 5,17% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 đạt 5.625,25 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với cuối năm 2021. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, tính đến cuối tháng 3/2022, vốn điều lệ đạt 400,23 nghìn tỷ đồng, tăng 1,69% so với cuối năm 2021; tổng tài sản đạt 7.372,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2021; vốn huy động thị trường 1 đạt 215.396,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với cuối năm 2021. |