Đây là nhận định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam về chính sách ứng phó với những tác động về kinh tế của dịch Covid-19.
* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về triển vọng kinh tế sắp tới, khi mà dịch Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp?
- Ông Nguyễn Xuân Thành:Đặc điểm khác biệt của cuộc khủng hoảng lần này là đã tạo ra cú sốc kép cả cung và cầu, với tác động ít nhất là 2 vòng, thậm chí 3 vòng. Vòng thứ nhất là khi các nhà máy phải đóng cửa, sản xuất ngừng trệ do giãn cách xã hội. Vòng thứ hai là khi các nhà máy được mở cửa lại thì chuỗi cung ứng đã bị xáo trộn, nơi này mở, nơi kia đóng khiến sản xuất chưa thể phục hồi.
Về cầu, khi người dân bị cách ly thì họ không tiêu dùng là tác động vòng một. Vòng thứ hai là dù hết cách ly nhưng việc làm giảm, thu nhập giảm và tâm lý lo lắng khiến người dân tiết kiệm hơn, giảm tiêu dùng. Đây là những tác động rất lớn mà Việt Nam khó có khả năng kiểm soát được và sức cầu với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn yếu ít nhất đến hết năm nay. Tuy vậy, cũng có một ưu điểm là cung, cầu giảm khiến áp lực lạm phát giảm, tạo không gian lớn hơn cho chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ nới lỏng.
Về khả năng phục hồi, tôi cho rằng rất khó dự báo cho năm 2021, vì tính bất trắc lớn. IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế) có quan điểm là kinh tế sẽ suy thoái nặng năm nay và phục hồi mạnh vào năm sau theo mô hình chữ V, dựa trên cơ sở năm 2021 có thể có vắc xin chống dịch. Phản ứng chính sách của hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới trong đại dịch rất đồng bộ theo hướng nới lỏng cả tài khóa và tiền tệ, phát huy tác dụng rất nhanh trong việc hỗ trợ cho cả kinh tế và việc làm.
Ông Nguyễn Xuân Thành |
* PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng chống chịu của hệ thống tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế lần này?
- Ông Nguyễn Xuân Thành:Theo dự báo về mô hình phục hồi của IMF thì trong đợt khủng hoảng lần này hệ thống tài chính thế giới ít khả năng suy sụp. Thông thường, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra sẽ kéo theo đó là khủng hoảng tài chính khiến hệ thống tài chính suy sụp, gây hậu quả kéo dài khiến kinh tế lâu phục hồi, thậm chí cả đến một thập kỷ. Tuy nhiên, trong lần khủng hoảng này thì có thể khác. Tất nhiên nợ xấu tăng, nhưng do các nước thực thi chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng mạnh nên hệ thống tài chính của thế giới vẫn chống chịu được. Đây là một gợi ý quan trọng về chính sách cho Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng lần trước, chúng ta đã phải mất rất nhiều năm để ổn định lại hệ thống ngân hàng, từ đó kinh tế mới hồi phục. Do đó, một ưu tiên chính sách hiện nay là hệ thống tài chính - ngân hàng phải giữ lành mạnh để có thể phục hồi sớm, bên cạnh việc vẫn hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Nếu mô hình khủng hoảng theo hình chữ L, dù xác suất không cao, thì hệ thống tài chính sẽ suy yếu. Tuy nhiên, bản thân tôi có quan điểm lạc quan rằng kể cả đại dịch có tiếp tục lan rộng, nhưng nếu phản ứng chính sách toàn cầu đúng, hệ thống tài chính thế giới vẫn giữ được ổn định thì sự phục hồi sẽ đến sớm.
* PV: Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay, hiện đang có những yếu tố xảy ra với thị trường tài chính như là nợ xấu tăng cao, tiền bơm ra nhiều khiến người ta lo ngại về “bong bóng” giá tài sản với chứng khoán hay bất động sản. Vì sao ông lại có quan điểm lạc quan về thị trường tài chính?
- Ông Nguyễn Xuân Thành:Đúng là tiền bơm ra nhiều có thể hình thành “bong bóng” giá tài sản nguy hiểm, như với chứng khoán hay bất động sản. Nếu bơm tiền ra nhiều, cho vay mạnh mà không cân đối với rủi ro thì hậu quả để lại rất lớn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, đối với Việt Nam, không có chuyện bong bóng giá tài sản lúc này. Thị trường chứng khoán nước ta hồi phục sau cú sốc tháng 3 nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư. Thị trường bất động sản thì giá cho thuê đang giảm, ở nhiều nơi giảm 20%. Khi giá cho thuê giảm thì giá bất động sản cũng khó tăng.
Chúng ta cũng thực hiện các chính sách khá thận trọng, không phải bơm tiền ra ào ào. Thực ra nhu cầu vay của các doanh nghiệp hiện cũng giảm nên tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, dù lãi suất giảm. Nói vậy nhưng không phải là không có rủi ro. Mỗi khi kinh tế khó khăn thì rủi ro luôn có, nhưng nguy cơ không quá lớn.
* PV: Vậy theo ông, tới đây những giải pháp nào là thiết thực để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế?
- Ông Nguyễn Xuân Thành: Để hỗ trợ thì cần có tiền thật, nên đầu tiên phải chuẩn bị nguồn lực tài khóa. Điều thuận lợi là những năm qua Việt Nam đã giảm nợ công, thắt chặt chi tiêu công nhờ đó có dư địa tài khóa, nếu cần thiết Chính phủ có thể vay nợ để thực hiện hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ quan trọng, như tôi đã nói ở trên là đảm bảo thanh khoản, cụ thể là cho vay ngắn hạn có hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Không nêu yêu cầu ngân hàng giảm lãi suất mà để các ngân hàng tự quyết định lãi suất để đảm bảo thanh khoản. Chính việc đảm bảo thanh khoản, làm cho các ngân hàng thương mại lành mạnh về thanh khoản và ngân hàng quyết định cho vay với doanh nghiệp là chính sách thiết thực hơn việc yêu cầu phải có gói tín dụng này, tín dụng kia, hay cho vay theo kiểu chỉ định.
Thay vào đó, Chính phủ có thể hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp được vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn, qua đó duy trì được hoạt động, giữ được việc làm. Một cách làm khác là bảo lãnh, với doanh nghiệp nhỏ thì khó vì còn các yếu tố như thẩm định, đánh giá, nhưng có thể bảo lãnh cho các doanh nghiệp lớn bị mất thanh khoản tạm thời. Dù làm cách nào thì vấn đề ở đây là phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để có thể triển khai ngay khi cần thiết. Theo đó phải chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, về chính sách để nếu các doanh nghiệp mất thanh khoản thì phải hỗ trợ và hỗ trợ nhanh, đồng thời đảm bảo cho hệ thống tài chính ổn định. Tất nhiên, nếu kinh tế có dấu hiệu phục hồi tích cực, thì cũng không nhất thiết phải quá mạnh tay, hy sinh ổn định vĩ mô mà tung tiền ra cứu kinh tế. Còn nếu kinh tế có dấu hiệu đi xuống, thất nghiệp vẫn gia tăng, tăng trưởng xấu đi, thì cần có một vòng hỗ trợ tiếp theo với định hướng chính sách chung là phải đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp.
* PV: Xin cảm ơn ông!
“Tôi cho rằng, đối với Việt Nam, không có chuyện “bong bóng” giá tài sản lúc này. Thị trường chứng khoán hồi phục sau cú sốc tháng 3 nhờ sự lạc quan của nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, giá cho thuê đang giảm, ở nhiều nơi giảm 20%. Khi giá cho thuê giảm thì giá bất động sản cũng khó tăng. Việt Nam cũng thực hiện các chính sách khá thận trọng, không phải bơm tiền ra ào ào. Thực ra nhu cầu vay của các doanh nghiệp hiện cũng giảm nên tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, dù lãi suất giảm”. - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành. |
Hoàng Yến (thực hiện)