Ông đánh giá thế nào về tác động của môi trường truyền thông số với công tác đào tạo báo chí hiện nay?
Nói một cách đơn giản, truyền thông số đã định nghĩa lại xã hội truyền thông, tái cấu trúc lại vai trò của truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, đưa truyền thông xã hội lên vị trí trọng tâm, đẩy truyền thông đại chúng, trong đó có báo chí, vào một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt về vai trò xã hội và khả năng tiếp cận công chúng.
Có ba điểm mà báo chí đang chịu cạnh tranh gay gắt bởi truyền thông xã hội. Một là, tốc độ đưa tin. Hai là, năng lực kiểm chứng thông tin. Ba là, sự đa dạng về quan điểm. Báo chí chậm chân hơn trong việc đưa tin, và chịu nhiều ràng buộc pháp lý hơn. Báo chí phải kiểm chứng bằng số ít phóng viên và biên tập viên của tòa soạn, với những nguồn giới hạn. Trong khi đó truyền thông xã hội kiểm chứng bằng một số đông người ở nhiều nơi, với nhiều nguồn phối kiểm. Báo chí chịu sự kiểm soát chặt chẽ của khuôn khổ pháp lý về đưa tin, vì vậy mà cũng bị giới hạn khá nhiều về sự đa dạng quan điểm. Trong khi đó, truyền thông xã hội lại rất đa dạng về góc nhìn, vì vậy mà giá trị phản biện trở nên nổi trội.
Ngoài ra, công nghệ kỹ thuật số cũng tạo ra những tác động sâu sắc đến nghề báo. Những thực tế vừa nêu tác động đến công tác đào tạo báo chí, buộc các trường dạy báo chí phải thay đổi không chỉ nội dung chương trình đào tạo mà còn phải thay đổi cả phương thức tổ chức đào tạo.
Như vậy, công tác đào tạo báo chí hiện nay cần phải bổ sung những nội dung gì, thưa ông?
Nói “bổ sung” thì e là không phản ánh hết được những yêu cầu mới về đào tạo nghề báo. Phải dùng từ “tái cấu trúc”, chúng tôi phải tái cấu trúc chương trình đào tạo báo chí, vì đơn giản là, chính nghề báo, nghề truyền thông đã tái cấu trúc.
Nghĩa là, chúng tôi gần như đã phải làm lại chương trình đào tạo báo chí theo hướng, bên cạnh việc dạy cho sinh viên báo chí những năng lực nghề báo kinh điển như tiếp cận nguồn tin, kiểm chứng, tư duy thể loại,… chúng tôi phải nỗ lực để có thể dạy sinh viên tiếp cận nguồn tin và đưa tin trên môi trường truyền thông số bằng những năng lực nghề nghiệp mới như: Năng lực kết nối (networking), năng lực làm việc nhóm (teamwork), năng lực tương tác (interative), năng lực tư duy phản biện (critical thinking), năng lực kỹ thuật số (digital competence),…
Khoa Báo chí Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã có những thay đổi cụ thể như thế nào trong đào tạo để sinh viên thích ứng với môi trường truyền thông số, thưa ông?
Chúng tôi đã theo đuổi hai thay đổi lớn trong những năm gần đây. Một là thay đổi về nội dung đào tạo báo chí theo định hướng đa phương tiện. Báo chí hiện đại phải học cách chuyển tải nội dung theo định dạng mới của thời đại – định dạng đa phương tiện. Hình ảnh và âm thanh có khả năng chuyển tải thông điệp nhiều hơn so với hình dung trước đây. Chúng tôi đã dạy sinh viên báo chí làm việc với thông điệp hình ảnh nhiều hơn, chứ không chỉ là thông điệp ngôn từ. Chúng tôi thường nhắc nhau từ khóa chính về giá trị của chương trình đào tạo báo chí hiện đại là báo chí tích hợp.
Hai là thay đổi về phương thức tổ chức đào tạo. Phương châm chính là làm. Chúng tôi đã đưa sinh viên báo chí đến tòa soạn sớm hơn trước, ngay từ năm thứ nhất. Và đồng thời, chúng tôi yêu cầu sinh viên phải làm báo ngay từ các môn học. Bài thi của họ phải là tin bài báo chí, là sản phẩm truyền thông thực tế được đăng tải, chứ không phải là bài viết trên giấy làm trong phòng thi. Chúng tôi gần như đã chuyển sang hình thức thi, kiểm tra môn học bằng năng lực làm tin bài, làm sản phẩm truyền thông. Đó là cách giúp sinh viên báo chí tận dụng cơ hội của môi trường truyền thông số để học và làm nghề từ sớm.
Theo ông, những nhà báo thuộc những thế hệ đi trước, cũng như cơ quan báo chí cần phải bồi dưỡng, thay đổi ra sao để thích ứng với môi trường báo chí hiện đại ngày nay?
Thay đổi dễ nhất là học lấy vài kỹ năng tác nghiệp kỹ thuật số để có thể tác nghiệp kiểu đa phương tiện. Việc này không mất nhiều thời gian. Nhưng khó hơn sẽ là học lấy tư duy truyền thông số trong nghề làm tin tức, lấy kết nối thông tin và tương tác thông tin làm giá trị của tin tức, chứ không quá đề cao ngôn từ và góc nhìn bản thân.
Không có nhiều lắm các cơ quan báo chí chuyển đổi kịp thời để thích ứng với môi trường truyền thông số. Các tờ báo, tạp chí đã có trang web. Nhưng phần lớn trong số đó là những trang web “soi gương”, tức chỉ là nơi để chuyển tin bài từ dạng “in” sang dạng “online”.
Các tờ báo cần một cách tiếp cận khác hơn, đó là phải xây dựng website của tờ báo như một “hệ sinh thái” mới để phát triển các giá trị tin bài đa phương tiện và kết nối – tương tác hiệu quả hơn trên môi trường kỹ thuật số. Đó mới là cách để tờ báo có cơ hội tiếp cận công chúng và được công chúng lựa chọn.
Giữa trường học và cơ quan báo chí đã có sự kết hợp ra sao trong công tác đổi mới phương thức đào tạo báo chí, thưa ông?
Kinh nghiệm mà chúng tôi đã trải qua và thấy rất hiệu quả là, chúng tôi cùng với tòa soạn tổ chức những “giờ học tòa soạn”. Chúng tôi không chỉ mời nhà báo đến trường giảng dạy, mà chúng tôi còn đã đưa giờ học đến các tòa soạn.
Xin cảm ơn ông!