Nâng cấp lộ nông thôn xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời.Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, song, sau một năm nhìn lại, kinh tế của tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân mảnh đất cuối trời cực Nam Tổ quốc. Kết thúc năm 2015, quy mô nền kinh tế phát triển gấp 1,5 lần so với năm 2010. Cơ cấu các thành phần kinh tế quan trọng của tỉnh đều tăng ở mức bình quân trên 6%. Trong đó, khu vực ngư - nông - lâm nghiệp tăng 6%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 3%, khu vực dịch vụ tăng 8,1%... góp phần đưa thu nhập và mức sống người dân nâng lên đáng kể (1.600 USD/người, gấp 1,5 lần so với năm 2010). Nhiều bước tiến quan trọng Lĩnh vực ngư - nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng trên 31% trong cơ cấu kinh tế, tiếp tục tăng trưởng ổn định và phát triển toàn diện. Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, hiệu quả từ đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa đã tạo được bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng. Tuy gặp nhiều khó khăn về dịch bệnh, giá thành đầu vào, đầu ra, nhưng sản lượng thuỷ sản các loại năm 2015 đạt 500.000 tấn, so với mục tiêu 450.000 tấn, tăng bình quân 5,3%/năm. Việc chuyển đổi và đa dạng phương thức nuôi từ nuôi công nghiệp, quảng canh cải tiến, quảng canh, sinh thái… góp phần tăng nhanh về năng suất, chất lượng.
Đặc biệt là tận dụng nuôi kết hợp, nuôi luân canh, xen canh một số đối tượng khác đem lại giá trị kinh tế cao như: nuôi cua (sản lượng đạt khoảng 6.000 tấn/năm), sò huyết... Vùng nước ngọt có nhiều đối tượng nuôi như: cá chình, bống tượng (diện tích nuôi 2 đối tượng này khoảng 1.500 ha), cá sặt rằn (diện tích khoảng 900 ha, sản lượng hằng năm khoảng 2.100 tấn)... Ngoài ra, còn phát triển nuôi ven biển, bãi bồi, nuôi lồng, bè các loài thuỷ sản như: nghêu, hàu, cá bớp... “Đời sống của người dân vùng nông thôn và hải đảo được nâng lên. Ngoài ra, khai thác hải sản cũng có nhiều chuyển biến khả quan. Cơ cấu đội tàu có chuyển biến tích cực, số lượng tàu có công suất trên 90 CV phát triển theo hướng vươn ra xa bờ tăng bình quân 12%, đạt 1.602 chiếc, chiếm 34,3% trong tổng số 4.668 chiếc”, ông Lê Văn Sử cho biết thêm. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao trong bối cảnh nhiều khó khăn chính là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Thành Vinh, Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ, nhận định, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thời gian qua phát triển khá toàn diện trên tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là trong nông nghiệp. Nhiều giống lúa mới chất lượng cao, giống cấp xác nhận, được nghiên cứu khảo nghiệm đưa vào sản xuất, ứng dụng kỹ thuật canh tác ba giảm - ba tăng được nhân rộng, cơ giới hoá trong sản xuất… đã nâng năng suất lúa tăng 11% so với năm 2011, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Đời sống người dân được cải thiện đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp to lớn từ người dân, năm năm qua toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo trên 2.000 km đường giao thông nông thôn; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 1.825 cây cầu, các công trình lưới điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá - thể thao được quan tâm đầu tư… đã tạo sự thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, đạt mức bình quân trên 11%. Đặc biệt là các ngành dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao ngày càng phát triển như: thương mại, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, viễn thông, du lịch... đã góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong năm qua, cũng như cả giai đoạn 2011-2015, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL vào năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP bình quân tăng 7-7,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm; có 50% xã trở lên đạt tiêu chí nông thôn mới,… Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã chọn khâu đột phá là tập trung phát triển ba lĩnh vực quan trọng: dịch vụ; ngư - nông - lâm và công nghiệp, xây dựng, để tạo nên thế chân kiềng vững chắc cho nền kinh tế. Cụ thể, khu vực dịch vụ tăng 10%, chiếm 42,5% trong cơ cấu kinh tế; khu vực ngư, nông, lâm nghiệp tăng 4%, chiếm 23%; còn lại khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 7,5%, chiếm 31%. Theo đó, trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Lê Văn Sử cho biết, tỉnh sẽ tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của tỉnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế tỉnh phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu. Ngành nông nghiệp sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng sản lượng, chất lượng hàng hoá trên đơn vị sản xuất, phát triển sản phẩm hàng hoá chủ lực của ngành nông nghiệp theo từng chuỗi sản phẩm toàn diện dựa trên sản phẩm chủ lực là con tôm, cây lúa, rừng, sản phẩm đánh bắt, sản phẩm chăn nuôi... Khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 600.000 tấn. Trên lĩnh vực dịch vụ, lộ trình phát triển chi tiết cũng đã được xây dựng nhằm tiến tới nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng ngành. Theo đó, một số ngành dịch vụ như: thương mại, du lịch, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ vận tải, quy hoạch hệ thống bến bãi để phát triển ngành dịch vụ cung ứng hậu cần vận tải gắn với khai thác cảng biển tổng hợp Hòn Khoai và Khu kinh tế Năm Căn khi đi vào hoạt động đang được tập trung đầu tư. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, thu hút đầu tư để sớm hoàn thành kết cấu hạ tầng du lịch của hai vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ. Ngoài ra, lộ trình đầu tư hạ tầng thiết yếu cho nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp, xây dựng cũng đã được đề ra. Trong đó, bước đột phá của khu vực này chính là việc triển khai đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Hòn Khoai trong thời gian sớm nhất. Khi đó, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá trực tiếp từ cảng biển và kết nối với hệ thống cảng sông để trung chuyển không chỉ tạo điều kiện phát triển công nghiệp mà thương mại, dịch vụ cũng tăng theo. Ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết, tỉnh đang tăng cường các hoạt động khuyến công với nhiều loại hình đa dạng để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất những sản phẩm tinh chế, đa dạng hoá mặt hàng nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, phát triển công nghiệp cơ khí, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản. Điều kiện tự nhiên đã giúp tỉnh có được những lợi thế nhất định để phát triển kinh tế. Với ba trụ cột chính là ngư - nông - lâm, công nghiệp xây dựng và dịch vụ, nếu có chính sách kích thích phù hợp sẽ tạo nên thế chân kiềng vững chắc, đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới Nguyễn Phú |