Tán thành mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
Tại phiên họp,ảohiểmxatildehộicầnlộtrigravenhthayđổihợxem truc tiep bd Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, về việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc.
“Đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH. Nhưng để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và BHXH Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định”, bà Mai giải thích thêm.
Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến của đại biểu về chính sách khuyến khích để mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, dự thảo Luật bổ sung quy định về mức đóng BHXH tự nguyện do người lao động lựa chọn, mức đóng thấp nhất bằng chuẩn hộ nghèo và mức đóng cao nhất không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu?
Về vấn đề này, hiện có 2 phương án được đưa ra xin ý kiến Thường vụ.
Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ mức thấp cho tất cả người lao động tham gia nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Phương án 2: Nhà nước chỉ hỗ trợ cho người lao động tham gia có mức sống từ trung bình trở xuống.
Thường trực Ủy ban cho rằng, tỷ lệ hỗ trợ mức đóng của nhà nước cho người lao động phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách nhà nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy để thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện phải thúc đẩy sự tham gia của nhiều người lao động thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước. “Do đó, chúng tôi tán thành phương án 1. Để đảm bảo tính khả thi thì mức hỗ trợ nên tính trên cơ sở mức đóng thấp nhất, tương ứng với chuẩn nghèo và xem xét mức hỗ trợ giảm dần theo thời gian”, bà Trương Thị Mai nói.
Lộ trình nào để đảm bảo cân đối tài chính?
Cũng đã có hai phương án về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đã được cơ quan thẩm tra đưa ra xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.
Phương án 1, được nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ, là áp dụng tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật Lao động từ ngày 01-01-2018.
Phương án 2 là đề nghị áp dụng mức tiền lương đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Bộ luật lao động từ ngày Luật BHXH có hiệu lực (01-7-2015).
Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Tuy nhiên, việc áp dụng ngay quy định này trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, tiền lương tối thiểu đang trong lộ trình thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động nên việc quy định lộ trình thực hiện từ ngày 01-01-2018 sẽ đảm bảo tính khả thi hơn.
Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng cũng có 2 phương án:
Phương án 1: điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Thường trực cơ quan thẩm tra tán thành với phương án 1, đồng thời đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu (cụ thể như sau: năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm), lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng – hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra.
Về mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần đối với người tham gia BHXH, hai phương án được đưa ra như sau:
Phương án 1 (phương án có lộ trình): tính bình quân của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực thi hành (01-7-2015) đến 31-12-2019; từ ngày 01-01-2020 đến 31-12-2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối; từ ngày 01-01-2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.
Phương án 2 (phương án của Chính phủ): Tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian từ 01-01-2018.
Như vậy, nếu người lao động nữ có đủ 30 năm đóng BHXH thì không xảy ra chênh lệch giữa cách tính của phương án 1 và 2. Nếu lao động nữ về hưu sớm khi chưa đủ 30 năm đóng BHXH thì cách tính của phương án 2 sẽ giảm quyền lợi của lao động nữ nhiều hơn so với phương án 1. Do vậy, khi tuổi nghỉ hưu đã thực hiện theo Điều 187 của Bộ luật lao động, thì nên lựa chọn phương án 1 để lao động nữ không bị ảnh hưởng nhiều về quyền lợi do điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng.
Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội ủng hộ phương án 1 và lưu ý cần quy định quỹ bảo hiểm của người lao động ở khu vực công và tư được hạch toán riêng để đảm bảo công bằng, minh bạch trong đóng – hưởng BHXH của người lao động từng khu vực.
Nguồn SGGP