Phần lớn doanh nghiệp không tự giác
Kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số hiện nay đang đặt ra vấn đề cần phải có cơ chế pháp lý để quản lý thuế đối với hoạt động này. Một bất cập hiện nay là hóa đơn giấy vẫn là chứng từ được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch TMĐT. Hóa đơn gắn với quản lý thuế giá trị gia tăng (GTGT), tuy nhiên, hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử, nhưng chưa có quy định bắt buộc doanh nghiệp (DN) chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế, nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý kê khai.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, một thách thức khác mà kinh tế số mang đến, đó là khó xác định được đúng bản chất giao dịch để tính thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế số. Ví dụ, như hình thức kinh doanh vận tải hành khách qua hợp đồng điện tử là loại hình kinh doanh công nghệ, hay hợp đồng điện tử? Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ về mặt pháp lý, mà còn về nghĩa vụ thuế phát sinh tương ứng với từng hình thức giao dịch. Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện vẫn tồn tại hai nhóm quan điểm. Theo quan điểm của Hiệp hội Taxi, thì đây là loại hình vận tải taxi công nghệ; tuy nhiên theo quy định pháp luật về giao thông vận tải, thì đây là loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng.
Một khó khăn khác là quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube… Tổng cục Thuế cho biết, các DN và cá nhân này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh. Một số DN có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Các cá nhân có phát sinh thu nhập hàng năm hàng chục tỷ đồng và các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên chỉ có một số DN thực hiện kê khai nộp thuế, số còn lại là các nhà thầu nước ngoài, tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai, nộp thay thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với thu nhập phát sinh của Google và Facebook tại Việt Nam.
Quy định rõ trách nhiệm phối hợp quản lý thuế TMĐT
Trước những bất cập về cơ chế chính sách trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, cũng như đưa ra các giải pháp để quản lý thuế một cách hiệu quả. Một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội Khóa XIV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 7 này, là dự luật đã bổ sung các nội dung liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT.
“Dự thảo luật đã bổ sung quy định cho phép các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, có hoạt động TMĐT thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Tổng cục Thuế sẽ xây dựng quy trình đăng ký thuế đơn giản, mở trên website của Tổng cục Thuế hệ thống ứng dụng để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam được thực hiện đăng ký thuế, được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng” - ông Huy cho biết.
Ngoài ra, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về hóa đơn, chứng từ khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo hướng ban hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử đối với DN, hộ kinh doanh khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ để giảm chi phí cho người nộp thuế, đồng thời hạn chế rủi ro trong công tác quản lý thuế, tăng hiệu quả quản lý doanh thu, phục vụ mục tiêu tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Dự thảo luật cũng quy định trách nhiệm của một số bộ, ngành liên quan đến quản lý thuế hoạt động TMĐT như: Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải. Đặc biệt, dự thảo luật cũng quy định nhiệm vụ, trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.
Ngày 12/6/2018, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, Điều 26 của luật này quy định, DN trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam... phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. DN ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan thuế phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý tốt hơn nữa hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác. |
Nguyễn Dương - Nhật Minh