Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tối đa để TPHCM phát triển. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, về phân cấp, phân quyền cho TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp TPHCM và các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng đề án ban hành nghị định thay thế nghị định số 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TPHCM trong quý 2-2021. Theo ông Phong, hiện nay, một số nội dung trong Nghị định số 93 không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và không tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.
Về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, TPHCM kiến nghị chấp thuận thông báo điều chỉnh lại mức vốn dự kiến đầu tư công kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ các nguồn vốn đầu tư thành phố có thể huy động được theo đúng khả năng cân đối và nhu cầu của thành phố là 261.967 tỷ đồng, trong đó đối với vốn đầu tư từ nguồn bội chi ngân sách địa phương, trung ương bố trí đủ kế hoạch trung hạn cho các dự án sử dụng vốn ODA vay lại là 43.391 tỷ đồng.
TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của nhà đầu tư cho dự án giai đoạn 2 của Công ty Intel Products Việt Nam.
Trước đó, đầu năm 2021, Tập đoàn Intel có thông báo đầu tư thêm 475 triệu USD vào Intel Products Việt Nam (IPV) - nhà máy lắp ráp và kiểm định (ATM) có quy mô phòng sạch lớn nhất trong hệ thống Intel toàn cầu. Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó của Intel để xây dựng cơ sở sản xuất thử nghiệm và lắp ráp chip hiện đại nhất tại Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) - dự án đã được công bố lần đầu vào năm 2006, nâng tổng vốn đầu tư của Intel tại Việt Nam hiện tại lên tới 1,5 tỷ USD.
Theo thống kê, tính đến cuối năm 2020, Intel Products Việt Nam đã mang hơn 2 tỷ sản phẩm đến tay khách hàng trên toàn thế giới. Trong đó, Intel Products Việt Nam là một phần quan trọng trong chuỗi sản xuất của Intel trên toàn thế giới.
TPHCM có hoạt động kinh tế lớn nhất cả nước (chiếm hơn 22% GDP cả nước) song việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa vượt trội (số vốn bình quân đầu tư trên mỗi dự án chưa đạt 1 triệu USD), quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% với số vốn đăng ký chỉ chiếm hơn 27% tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, trong tình hình khó khăn của dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trong nước lẫn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, việc tăng vốn của Intel có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố đang đối mặt với rất nhiều thách thức, sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn đang ngày càng gia tăng. Tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, các công trình văn hóa dù được thành phố quan tâm nghiên cứu, xây dựng Đề án, thiết kế, tuy nhiên không đủ nguồn lực để hiện thực hóa.
Theo đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam (theo chấp thuận trước đây của Thủ tướng) để bổ sung công trình xây dựng 4 cầu; nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc (Khu chức năng số 3 và số 4) và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đối với các đề xuất của TPHCM, Chính phủ cơ bản đồng tình. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tối đa để TPHCM phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM vẫn là đầu tàu của cả nước, thể hiện ở quy mô dân số, đóng góp GDP vào tổng ngân sách. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu TPHCM đã đạt được trong nhiệm kỳ qua và 4 tháng đầu năm 2021. Đặc biệt là thành quả kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 mặc dù TPHCM là địa phương có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế của TPHCM, trong đó hạn chế lớn nhất là thành phố phát triển chưa thật sự xứng tầm với vai trò, vị thế và lợi thế cạnh tranh của mình. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu TPHCM trong thời gian sắp tới phải chuyển hướng từ phòng ngự, chống đỡ, bị động, chờ đợi sang tấn công mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực.
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu các bộ, ban, ngành và TPHCM phải phối hợp trên dưới nhịp ngành, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. TPHCM phải phát triển xứng tầm là một trung tâm của vùng, một trung tâm phát triển kinh tế của cả nước; xứng tầm và xứng tầm hơn nữa với mong đợi và kỳ vọng của nhân dân cả nước.