游客发表
Sắp xếp mãi,ềquêănTếkết quả tỷ số đức năm này tôi về quê ăn tết, làng Thế Chí Tây, (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền). Mà không chỉ một mình, cả nhà, có hai cô con gái, và điều mừng là, hai con gái tôi rất háo hức dù chúng đang sống ở một thành phố lớn nhất nước... Làng tôi có nghề làm mai cảnh, rất nhiều nghệ nhân giỏi, mấy lần VTV1 rồi VTV2 giới thiệu. Trước tết, người thành phố về đặt mua rất nhiều, mỗi cây ba bốn triệu, có cây vài chục triệu, thậm chí có cây được trả tới cả trăm triệu, một số tiền không nhỏ với những người dân quê nghèo. Tôi tưởng, họ sẽ hăm hở bán, nhưng té ra có nhiều nhà không bán mà giữ lại chơi tết cho sướng. Sân nhà tôi, chú em cũng có mấy chục gốc mai và lộc vừng rất đẹp, tưng bừng nở. Làng tôi ở bên sông Ô Lâu, cách TP Huế chừng hai chục cây số đường chim bay và bốn chục cây xe chạy vòng. Làng vinh dự được liền kề quê của các danh nhân Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Tri Phương... khi xe chạy qua Phong Chương, tôi giới thiệu với các con: “Đây là nơi sinh ra và lớn lên của Tổng đốc thành Hà Nội Nguyễn Tri Phương. Ông sinh ở đất này và đã tuẫn tiết để bảo vệ một ngôi thành cách quê mình cả nghìn cây số”. Các con tôi rất ngạc nhiên vì quê của một danh tướng mà hiền hòa bình dị quá...
Chơi đu ngày tết
Ba mươi tết, trong khi ở thành phố người ta đang đi shop đi chợ hoa thì nhiều nơi ở nông thôn, có người vẫn ra đồng cấy cho kịp vụ. Tất nhiên, chợ quê vẫn mở. Bàn thờ vẫn được lau dọn, nhà cửa vẫn được trang trí... Chợ quê cuối năm là nơi người ta phô diễn sản vật tươi sống và cũng là nơi trưng bày các phong tục đậm đặc văn hóa Việt. Nông thôn là nơi làm ra sản vật, nhưng thành phố lại là nơi điều tiết. Các sản vật ở nông thôn phần lớn ngược lên thành phố rồi lại được “đánh” ngược lại các chợ quê. Chợ quê không đầy đủ các thức các món như ở siêu thị, ở các chợ trung tâm thành phố, nhưng bù lại nó có âm hưởng, có hơi thở, có cái rạo rực tươi mởn của đồng đất, của chân quê, có cái đậm đặc nồng nã của ký ức, của mồ hôi nước mắt, của sự chân thật nghĩa tình, của nghĩa tình làng nước, những đặc sản mà siêu thị máy lạnh, chợ trung tâm dẫu tiền chất như núi không có. Chưa hết, còn lá non sương ngậm, còn cỏ mát triền đê, còn những tấm lưng ong, những đầu mày cuối mắt, những lúng liếng giòn tan những ngượng ngùng e ấp... nó là một phần chợ quê, là sản vật quê, chỉ quê mới có, chỉ có về với làng, với mẹ, với tuổi thơ, ký ức mới có...
Ba mươi tết, bận mấy thì bận, các gia đình bên cạnh việc chuẩn bị bàn thờ nhà mình, không quên sai con cháu sắp cỗ mang sang thắp hương bên nhà thờ họ, bên các nhà bác cả bác hai, nơi đặt bàn thờ ông bà cha mẹ. Chẳng nhiều nhặn gì, nhiều khi chỉ là thẻ hương, gói trà, phong bánh... Nhà tôi thờ từ ông cố trở xuống, nên con cháu mang đồ đến cúng khá nhiều. Ngày mùng một đi đâu thì đi, làm gì thì làm, trước tiên là phải khăn đóng áo dài sang nhà thờ thắp hương các ông bà. Vì thế nhà tôi luôn luôn đông khách.
Mùng một là ngày của bà con họ hàng, của hai bên nội ngoại. Người quê tôi đi thăm mộ ông bà cha mẹ xong lên nhà thờ họ thắp hương, thăm hỏi xong thì đi lễ chùa. Chùa ngay trung tâm làng. Mấy năm nay đời sống khá lên nên các nhà thờ họ và chùa được sửa sang, thậm chí làm mới khá đẹp. Nhà thờ họ Văn của tôi cũng mới được làm lại hoàn toàn, to và đẹp, do một người họ Văn làm ăn phát đạt ở Buôn Ma Thuột tài trợ chính.
Mùng hai là hội quê, là ngày được mong đợi của những người dân quê một nắng hai sương, nhiều khi cả năm không ra khỏi làng. Tùy theo từng nơi mà người ta tổ chức từ đấu vật, đua thuyền, lô tô đến đá bóng, đá gà, văn nghệ... quê tôi hay tổ chức thi đánh đu. Thi đơn, thi đôi, đôi nam nam, nam nữ, nữ nữ..., những người dân quê sáng ba mươi còn tất tả ngoài đồng, hôm nay óng ả áo dài khăn đóng, nữ thì áo dài màu quần trắng trịnh trọng bước lên đu và nhún. Tôi đọc được sự hãnh diện của từng nhóm người khi đôi đu của xóm mình, thôn mình diễn đẹp, lên cao và... mặt không biến sắc. Chao ơi là các niềm vui nhỏ nhoi nhưng nó là “của nhà giồng được” mỗi năm chỉ có một mùa, nên nó quý, nó hiếm. Nó quý nó hiếm nữa là ở đây là lễ hội cộng đồng, trò chơi cộng đồng, không có khách chủ, tất cả là chủ thể...
Sáng mồng 1 tết ở nhà thờ họ
Ai nói gì thì nói, phản đối thì phản đối, lười nhác thì lười nhác... tôi ủng hộ và rất thích phong tục quê tôi là trưa nào cũng cúng, cúng từ ba mươi đến mùng ba, trừ mùng một cúng bánh, còn là cúng cỗ. Ăn gì cúng nấy, nhà ai có gì bày lên bàn thờ thức ấy. Ở thành phố người ta chia ra đồ cúng, đồ ăn, ở đây tất cả các đĩa bát tô muỗng đũa được bày hết lên bàn thờ. Không chỉ bàn thờ, bày cả ra hè, ra sân, ra vườn (vườn người Huế thường có trang cúng cô hồn). Mà không chỉ một mâm, thường thì ba bốn mâm, cúng xong hạ xuống ăn, nhiều khi nhà ít người vẫn phải bày nhiều mâm cúng, nên mới thấy cái sự quan trọng của việc con cháu tập trung về ngày tết. Sáng sớm thì con dâu con gái tíu tít đi chợ, về thì tíu tít băm băm chặt chặt nấu nấu nướng nướng. Đàn ông thì khăn đóng áo dài xếp cỗ bày bàn thờ và cúng, gọi là quảy cơm. Tất nhiên dù nhà ai cũng cúng nhưng năm nay có bố con tôi về nên nhà mẹ tôi luôn luôn đông vui, các nhà anh em họ tôi cúng xong thì giao cho vợ con ở nhà, đàn ông phóng xe sang nhà tôi uống bia với bác cả. Dẫu là bác cả nhưng vì ở xa nên toàn bộ việc nhà, chú em tôi ở nhà quán xuyến. Chú này là quan chức cấp huyện nhưng rất rành việc hương khói do ba tôi hồi còn sống từng ở vai trưởng họ. Thậm chí khi cúng tôi bảo: Chú đứng với anh, và tôi cứ nhìn chú làm gì tôi làm nấy, vì không chỉ vái, quê tôi phải lạy rất kỹ trước một hệ thống bàn thờ mà nếu không quen, không nhìn để bắt chước, rất khó thực hiện đúng bài.
Những bữa cơm sau cúng ấy thực sự là những cuộc giao lưu tình cảm thú vị. Chả cứ người ở xa về, mà ngay những người quanh năm ở bên nhau, đây cũng là giờ phút dễ trải lòng nhất. Mẹ tôi hơn 90 tuổi, đau cột sống, nhưng lúc này cũng cố ngồi dậy, giữa quây quần con cháu, mắt đẫm lệ. Từ hai thằng con trai quặt quẹo ngày nào lang thang cùng bà trên các nẻo đường công tác khắp miền bắc thời chiến tranh phá hoại, giờ bà có thêm hai người con dâu và bốn đứa cháu, hai trai hai gái, to lớn kềnh càng, ồn ào rổn rảng nhưng ngoan ngoãn hiếu thảo. Sáng mùng một mọi người mừng tuổi lẫn nhau, mẹ tôi cho mỗi đứa cháu một... chỉ vàng, bảo quà của bà dành dụm sau bao nhiêu năm hoạt động cách mạng đấy. Năm nay mẹ tôi có hai niềm vui, một là bà đã được nhận huy hiệu sáu mươi năm tuổi Đảng và hai là tết con cháu về đầy đủ để mừng bà đại thượng thọ dẫu bà không đồng ý tổ chức dềnh dang mà chỉ trong phạm vi con cháu...
Rồi tết cũng qua, tối mùng ba tôi lên xe về TP Pleiku, hai con gái tôi vào TP Hồ Chí Minh công tác và học tập, nhưng tôi tin, trong hành trang của chúng sẽ có những ngày tết quê thật đầm ấm và nhiều ý nghĩa, chúng hiểu, để có thứ ánh sáng đô hội ồn ã tấp nập chúng sống, còn có những làng quê lặng lẽ với những người quê lặng lẽ bên lũy tre, mái đình, nơi ẩn chứa những giá trị văn hóa và tâm linh bền vững, hướng thiện và rất đẹp.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接