Phải luôn nghĩ đến sự liêm chính khi xây dựng luật Đại biểu (ĐB) Nguyễn Mai Bộ (An Giang)- Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, Quốc hội khoá 14 đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ. Nhắc đến vấn đề “liêm chính trong xây dựng pháp luật”, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, Thủ tướng Chính phủ đã có lưu ý mang tính mệnh lệnh về công tác xây dựng, hoàn thiện và xây dựng pháp luật vào ngày 24/11/2020, đó là “cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật”. ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là nguyên tắc cho mỗi chúng ta trở thành công dân tốt. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật. Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, đa số văn bản luật trong khoá này đã được xây dựng một cách liêm chính, trở thành một phần của thể chế tốt đẹp thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có một số rất ít văn bản luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý. “Vẫn có hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp trình ra Quốc hội (QH), làm QH rất mất thời gian để thảo luận. QH và cơ quan soạn thảo có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng, thẩm tra pháp luật và nhắn gửi thế hệ kế nhiệm luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật”, ĐB Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn nói. Trong báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH khóa 14 cũng nhận định, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc, có chính sách mới được bổ sung nhưng chưa được đánh giá tác động; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau… Cần quan tâm “hậu” giám sát ĐB Tô Văn Tám (KonTum) và nhiều ý kiến phát biểu đã đồng tình đánh giá, nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội đã hoàn thành việc xây dựng một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong đề xuất trình QH các dự án luật. Theo ĐB Tô Văn Tám, nhu cầu xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là nhu cầu của thực tiễn. Trong quá trình đóng góp xây dựng các dự án luật, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đóng góp hết sức sâu sắc, chất lượng; có đôi khi chưa gặp nhau nhưng đó là bình thường, những vấn đề cần được tranh luận rõ hơn, dân chủ thẳng thắn xuất phát vì lợi ích của nhân dân. “QH khóa 14 là một nhiệm kỳ năng động, sôi nổi và đổi mới”, ĐB Tô Văn Tám khẳng định. Nhiều ĐBQH cũng đồng tình khi nhiệm kỳ này, QH đã gần dân hơn, cử tri gắn bó với QH hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, QH cần quan tâm hơn nữa đến “hậu” giám sát. Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), thành công trong xây dựng công tác lập pháp là rất quan trọng, tuy nhiên còn tình trạng đề xuất chưa phù hợp, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận. Công tác thẩm tra, thẩm định còn sơ hở, để lọt lưới các chính sách. Năng lực xây dựng chính sách của một số ĐB chưa đáp ứng yêu cầu, “còn dĩ hòa vi quý bấm nút thông qua chứ chưa thể hiện trách nhiệm trước dân”. Trong công tác giám sát, chưa đặc biệt chú trọng đến hậu giám sát. Nhiệm kỳ đã thực hiện giám sát nhiều vấn đề quan trọng, đi vào nhưng vấn đề trọng yếu của các lĩnh vực ngành, giải quyết kiến nghị cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo, hiệu quả ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, vẫn còn những vấn đề chưa được quan tâm; công tác giám sát của QH chưa được thực hiện ở những vụ việc lớn, vụ việc gây bức xúc dư luận. Giám sát cá nhân của ĐBQH chưa được thực hiện nhiều, chưa có cơ chế xác định bổn phận, trách nhiệm của ĐB trong giám sát chính các vấn đề của địa phương và nơi ứng cử. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá, QH đã làm tròn trách nhiệm trước nhân dân, tuy nhiên ĐBQH vẫn còn băn khoăn, trăn trở. Nhiệm kỳ qua, QH đã thông qua các đạo luật đảm bảo chất lượng, minh bạch, công khai, công bằng, không có biểu hiện tham nhũng chính sách. “Tuy nhiên, nếu rà soát, lật đi lật lại thì nếu không chặt chẽ thì có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, đem lại lợi ích không chính đáng cho một bộ phận”. ĐB nêu một số vấn đề có thể phát sinh tham nhũng chính sách, như: quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, định giá, đấu giá đất, ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính… Để giải quyết những bất cập còn tồn tại, ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị QH nhiệm kỳ tới nên đề cao chất lượng của phân tích chính sách trước khi thông qua; nâng cao chất lượng trong công tác lấy ý kiến người dân; nâng cao hoạt động thẩm tra (cần trí tuệ, bản lĩnh, dám đấu tranh dám phản biện)… Trong phát biểu của mình, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của QH. Theo ĐB, hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, có cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng, liệu có thực chất hay không và cử tri còn chờ đợi nhiều hơn thế. ĐB đề nghị trong nhiệm kỳ tới, QH nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và cân nhắc các mức lấy phiếu tín nhiệm. ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) phát biểu khá cụ thể, nêu lên những vấn đề lớn, nhiệm kỳ QH 14 đã làm được, đó là đã xây dựng các chính sách pháp luật phát huy hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. “Những chỉ số về giảm nghèo, nợ công giảm, dự trữ ngoại hối tăng… là những chính sách hợp với lòng dân, được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao”, ĐB Ngô Sách Thực nói. Đối với các đóng góp của ĐBQH, theo ĐB Ngô Sách Thực, các ý kiến đóng góp của ĐB trách nhiệm, thẳng thắn, từ thảo luận sang tranh luận, thể hiện QH đã có bước đổi mới chuyển biến về chất. Các cơ quan của QH, ĐBQH có nhiều đổi mới, hướng về nhân dân, cơ sở./.
Minh Anh |