Thành tựu lớn trong quản lý và phát triển kinh tế
Qua thảo luận, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cho rằng mặc dù phải tiếp nhận khối lượng lớn những tồn tại từ nhiệm kỳ trước, cả nhiệm kỳ dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất, quyết tâm của hệ thống chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, vị thế của đất nước được nâng cao.
"Nhìn toàn diện thì đây là nhiệm kỳ rất thành công. Chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế, đời sống người dẫn vẫn ổn định, dịch bệnh được khống chế, kim ngạch xuất khẩu gia tăng, nợ công được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng ổn định, cơ cấu sản xuất ngày càng thay đổi, đặc biệt tiếp tục phát triển nền kinh tế số và xây dựng chính phủ điện tử... trong bối cảnh các nước phát triển vẫn vật vã chống chọi với đại dịch Covid, là một kỳ tích", đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) nhận xét.
Cùng đánh giá cao thành tựu đạt được thời gian qua, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) nhấn mạnh đây là thành tựu chung của cả đất nước. Thành tựu này có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp và hành pháp. So với 5 năm trước đây vị thế Việt Nam trên trường quốc tế đã khác hẳn dưới con mắt của bạn bè quốc tế.
"Rất phấn khởi là từ đầu nhiệm kỳ dự trữ ngoại tệ ít, đến nay đã trên 100 tỷ USD; nợ công giảm, xuất khẩu rất cao và hiện là nước xuất siêu. Liên tục những năm gần đây đều đạt và vượt thu ngân sách nhà nước. Quý 1/2021 đã tăng thu ngân sách 10% so với cùng kỳ. Đây là thành tựu rất lớn trong quản lý và phát triển kinh tế", đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.
Nguyên nhân đạt được những thành công, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, mấu chốt vẫn là con người. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần tiếp cận, thay đổi hơn nữa về giá trị giáo dục vì nó là gốc rễ tạo nên các giá trị xã hội. "Chúng ta luôn nhấn mạnh vai trò giáo dục nhưng hiện nay chúng ta chưa đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Trong chính sách tôi có cảm giác chúng ta đang đánh đồng các giá trị giáo dục và việc đánh đồng bằng cấp cũng đang trong tình trạng như vậy", ông Thành nói và đề nghị phải coi giáo dục là dịch vụ công, không thị trường hoá, phải tạo nên chất lượng giáo dục tốt và phân loại đúng các giá trị giáo dục bởi giá trị giáo dục liên quan đến sử dụng con người, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Chỉ khi nào có đánh giá giá trị giáo dục chuẩn mực mới có cách sử dụng con người tốt, bổ nhiệm và bồi dưỡng cán bộ phù hợp.
Cử tri vẫn còn những băn khoăn
Chia sẻ cảm xúc trong thời điểm cuối nhiệm kỳ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết ông đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan, cũng như hoạt động của Quốc hội. Theo ông, qua hoạt động của Quốc hội đã tạo nên "xung lực mới", tạo ra áp lực cho các cơ quan thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Trong thắng lợi của Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Kiểm toán, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội", Phó Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nói.
Theo ông, hoạt động của Quốc hội đã giúp Đảng, Chính phủ, các cơ quan đánh giá lại chính sách, sự lãnh đạo, chỉ đạo trong các hoạt động của nhà nước. "Sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, với các cơ quan khác không phải 'xuôi chèo, mát mái'. Quốc hội không xuê xoa mà tạo áp lực cần thiết, đủ độ để Chính phủ điều chỉnh lại toàn bộ các hoạt động của mình. Trước đây, Chính phủ là cơ quan chấp hành, điều hành, cơ quan hành chính thì bây giờ Chính phủ xây dựng triết lý hành động là sáng tạo, phục vụ", đại biểu đoàn Bến Tre phát biểu.
Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho hay cử tri vẫn băn khoăn khi có một số vấn đề từ nhiệm kỳ trước chuyển cho Quốc hội khoá XIV chưa làm được như Luật Biểu tình, Luật về Hội… Một số lĩnh vực chưa được quan tâm giám sát, thời lượng chất vấn chưa nhiều, giải trình của các cá nhân chưa cao, vẫn còn hình thức. Đặc biệt cử tri đề nghị lấy phiếu tín nhiệm ít nhất 2 lần cho các thành viên Chính phủ và những người do Quốc hội bầu.
Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động giám sát của đoàn đại biểu và cá nhân đại biểu chưa cao, nhất là đại biểu rất ngại đụng chạm đến vấn đề của địa phương. Do đó, ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị nên có hình thức giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu.
Đây cũng là vấn đề đại biểu Thào Xuân Sùng (đoàn Hà Giang) lưu ý. Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, công tác giám sát qua hoạt động của từng đại biểu "chưa sâu sát, chưa nắm chắc tình hình mọi mặt của đất nước". "Trên cương vị công tác của mình các đại biểu phải nắm chắc tình hình mỗi vùng của đất nước, của nơi mình ứng cử. Như vậy mới nâng cao hoạt động chất lượng của Quốc hội", đại biểu nhấn mạnh.
Dương An