| 1/3 người châu Âu được hỏi cho rằng có thể chấp nhận mua hàng giả nếu giá hàng thật quá cao. Ảnh: TL |
Đánh giá được đưa ra vào ngày 16/1 dựa trên số liệu thu thập từ năm 2018 đến năm 2021 cho thấy, hàng giả gây thiệt hại lớn đối với lĩnh vực may mặc, ước tính 12 tỷ Euro mỗi năm, tức 5,2% tổng doanh thu. Trong khi đó, ngành mỹ phẩm ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ Euro và ngành đồ chơi là 1 tỷ Euro. Đánh giá này dựa trên số lượng hàng hóa bị cảnh sát tịch thu và tỷ lệ người châu Âu thừa nhận đã mua hàng giả tại mỗi nước trong khối. Ngoài ra, đánh giá cũng cho thấy, hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng mà còn khiến số lượng việc làm mất đi đáng kể. Chỉ tính riêng lĩnh vực may mặc, ước tính hàng giả khiến khoảng 160.000 việc làm bị mất, trong đó con số này ở lĩnh vực mỹ phẩm và đồ chơi lần lượt là 32.000 và 3.600. Tuy nhiên, EUIPO lưu ý rằng “hàng giả, cũng giống như bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào, đều không thể đo lường một cách chính xác”. Một nghiên cứu từ tháng 6/2023 cho thấy, 1/3 người châu Âu được hỏi cho rằng có thể chấp nhận mua hàng giả nếu giá hàng thật quá cao. Tỷ lệ này ở người trẻ chiếm 50%. Phần lớn hàng giả phát hiện ở 5 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Áo. Các nước này chiếm một nửa thiệt hại hằng năm, với doanh số bán hàng chính hãng giảm gần 8 tỷ Euro. Dựa trên đánh giá, EUIPO cho biết, Đức mất 40.000 việc làm/năm do hàng giả, Italy mất 24.000 việc làm, Pháp và Tây Ban Nha mỗi nước mất 15.000 việc làm. Bên cạnh những thiệt hại về kinh tế và tác động đối với việc làm, báo cáo còn lưu ý, việc sản xuất hàng giả còn thúc đẩy tội phạm có tổ chức, làm suy yếu niềm tin vào pháp quyền và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, hàng giả trong lĩnh vực mỹ phẩm và đồ chơi gây ra rủi ro đáng kể về sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng. Theo đánh giá của EUIPO năm 2022 về tội phạm sở hữu trí tuệ, những sản phẩm có hại này chiếm 15% số hàng giả bị thu giữ ở biên giới EU./. |