Kể từ đầu năm, con số các công ty toàn cầu vỡ nợ đã lên tới 99, cao thứ 2 trong vòng hơn 1 thập kỷ qua và chỉ đứng sau số vụ vỡ nợ được ghi nhận trong năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là 222 vụ, theo Standard & Poor’s.
Các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng của thị trường tín dụng với việc các công ty phụ thuộc nặng nề vào các khoản vay trong bối cảnh lãi suất thấp trong kỷ nguyên chính sách tiền tệ dễ dãi. Kể từ năm 2007, tỷ lệ trái phiếu S&P được xếp hạng “đầu cơ” hoặc “rác” đã tăng lên 50% từ mức 40%.
Hiện nay, với dự báo Mỹ sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần 1 thập kỷ qua, việc gia tăng số vụ vỡ nợ cho thấy nhiều công ty đang chật vật với một môi trường hoạt động chậm chạp, suy giảm doanh thu và gánh nặng nợ nần.
Giá dầu và các hàng hóa cơ bản sụt giảm đã đè nặng lên các công ty sản xuất năng lượng quy mô nhỏ, đặc biệt là ở Mỹ, do các nước sản xuất dầu OPEC vẫn tiếp tục khai thác dầu để duy trì thị phẩn. Ở Mỹ, 3/5 số vụ vỡ nợ năm 2015 là trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các tên tuổi như Midstates Petroleum, SandRidge Energy và Patriot Coal.
“Tâm bão” chính là ở thị trường hàng hóa cơ bản, tuy nhiên, vấn đề còn lớn hơn thế rất nhiều, Raman Srivastava, Phó giám đốc Đầu tư của Standish Mellon Asset Management cho biết. Một làn sóng bán tháo trái phiếu đã diễn ra trong lịch vực năng lượng và hàng hóa cơ bản.
Các công ty Mỹ chiếm 62% số vụ vỡ nợ trong năm nay. Thị trường mới nổi chứng kiến 19 vụ vỡ nợ - khu vực có số vụ vỡ nợ cao thứ 2 sau Mỹ. 13 vụ vỡ nợ xảy ra ở Châu Âu, còn lại là ở các quốc gia phát triển khác như Nhật và Canada.
Số lượng các công ty bị cắt giảm xếp hạng tín dụng trong thời gian vừa qua tăng từ 167 lên 178./.
Mai Linh (Theo Financial Times)