Xu thế người tiêu dùng mua hàng trực tuyến ngày càng nhiều
Thay đổi dần thói quen
Chưa đến 5 phút chị Đặng Thị Chi (P. Thủy Châu - Hương Thủy) vào trang Lazada đặt chiếc xe đạp thể thao hiệu LIFE giá 4,ậnđịnhđểtiêudùngthôngthákq sieu cup chau au7 triệu đồng, chỉ hôm sau đã có shiper (người chuyển hàng) đưa hàng đến tại nhà riêng. Khi nhận kiện hàng đúng mã số, chị Chi kiểm tra các phụ kiện kèm theo thêm 10 phút rồi cười vì hài lòng việc chọn kênh mua sắm tiện lợi.
“Thời buổi dịch giã, ngại đi lại nên không chỉ đồ dùng sinh hoạt mà hơn 60% hàng hóa thực phẩm tiêu dùng trong gia đình tôi đều đặt mua trên các trang, chợ tốt thông qua chiếc điện thoại thông minh của mình vì tiện ích, không mất nhiều thời gian” - chị Chi nói
Hiện nay với sự đổi mới về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật… thói quen tiêu dùng của người dân ngày càng năng động nhờ “chất xúc tác” của công nghệ. Đại dịch COVID-19 đã, đang khiến cho xu hướng tiêu dùng, mua sắm… của người dân có nhiều thay đổi lớn.
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, trước xu thế số hóa như hiện nay, mỗi người dân cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, chủ động cảnh giác, thận trọng để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Đồng thời, người tiêu dùng nên dần xây dựng những thói quen tích cực, lành mạnh để góp phần hình thành nên một hệ sinh thái thương mại, dịch vụ hiện đại, tiện lợi, an toàn văn minh.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm kinh doanh hàng hóa thực phẩm ở thị trấn Phú Đa, Phú Vang, anh Lê Văn Thành cho rằng, điều dễ nhận thấy khi mua sắm trực tuyến bên cạnh các tiện ích, người tiêu dùng có thể gặp phải rủi ro về hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, người tiêu dùng nên chọn các đơn vị, sàn thương mại điện tử có uy tín, đại lý cung cấp chính hãng để đảm bảo các quyền lợi về chính sách hậu mãi, bảo hành sản phẩm. Đối với các kênh mua sắm qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần cẩn trọng, nâng cao cảnh giác; tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, cách truy xuất nguồn gốc hàng hóa...
Những thay đổi về thị hiếu tiêu dùng vừa là thách thức, vừa là điều kiện giúp các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ thương mại tự làm mới mình trong sản xuất, kinh doanh để tồn tại, phát triển dựa trên nền tảng hiện đại, thuận tiện hóa các loại hình dịch vụ…
Tăng cường kiểm tra
Hai năm nay, tác động từ dịch COVID-19 cho thấy, loại hình mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển mạnh vì sự tiện lợi, nhanh chóng. Bên cạnh không ít doanh nghiệp, cá nhân bán hàng uy tín, chất lượng thì vẫn tồn tại những đơn vị, cá nhân lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...
Dịp cuối năm, cận tết là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm thường tăng đột biến, nguồn cung hàng hóa trở nên dồi dào, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ…
Thời điểm này các chuỗi cung ứng hàng hóa dần được phục hồi, nhiều loại hình thương mại, dịch vụ đã hoạt động trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn vì COVID-19, công tác quản lý thị trường cần được đẩy mạnh để hạn chế tình trạng hàng hóa bị “thổi giá”, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…; nhất là đối với các kênh mua sắm trực tuyến.
Ông Phan Hùng Sơn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, cao điểm cuối năm và cận Tết Nguyên đán 2022, không riêng lực lượng quản lý thị trường chủ động xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, trong đó có các loại hình mua bán, kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Hiện nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường giám sát, rà soát, phát hiện những thông tin, dấu hiệu vi phạm trong kinh doanh trên môi trường trực tuyến thông qua tổ công tác thương mại điện tử của đơn vị; trong đó chủ động nắm bắt tình hình mua bán trên môi trường internet, mạng xã hội facebook, zalo, các trang thương mại điện tử...
Bài, ảnh: Song Minh