Nông nghiệp có ít nhất 10 năm để cạnh tranh
Tại buổi họp báo công bố thông tin về TPP ngày 9-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định: Ngành chăn nuôi đúng là gặp khó khăn nhưng đây không phải lần đầu tiên chúng ta tham gia vào hội nhập quốc tế. Cụ thể, Việt Nam tham gia vào khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1995, sau đó gia nhập WTO vào 2006 và nhiều hiệp định thương mại khác với các nước mạnh về nông nghiệp như Australia, New Zealand… Ngành nông nghiệp Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị để cạnh tranh.
Riêng ngành chăn nuôi, từ xưa đến nay Chính phủ đã rất quan và trong các hiệp định khác chưa bao giờ chúng ta xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với các đối thủ mạnh về chăn nuôi. TPP yêu cầu, đòi hỏi tiêu chuẩn cao, toàn diện, cân nhắc xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà.
“Đến nay, kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng tôi khẳng định ngành chăn nuôi tính từ năm nay sẽ có thời gian ít nhất 10 năm để có thể đối đầu, cạnh tranh với các nước khi thuế được giảm về 0%. Nhìn chung tham gia nhiều hiệp định, chăn nuôi các nước bị tác động là có nhưng không nhiều như người nông dân suy nghĩ”, ông Khánh khẳng định.
Trả lời cho câu hỏi “khi tham gia TPP, chúng ta sẽ mạnh lên, có sức cạnh tranh hay là không cẩn thận chỉ có lợi cho người giàu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nếu chúng ta sử dụng đúng các cơ hội, tiếp cận đúng các cơ hội thì chắc chắn nền kinh tế của chúng ta sẽ mạnh lên. Câu chuyện giữa người giàu và người nghèo trong xã hội nào cũng có. Trong quá trình phát triển có thể khoảng cách giàu nghèo sẽ giãn ra. Nhà nước luôn có công cụ bảo đảm công bằng, Chính phủ luôn lưu tâm vấn đề này để bảo đảm tăng trưởng có được nhờ tự do hóa thương mại sẽ được lan tỏa đồng đều đến mọi tầng lớp”.
Một ngành khác cũng được cho là bị tác động khá lớn từ TPP là ngành công nghiệp ô tô với quy định về quy tắc xuất xứ. Liệu thị trường ô tô Việt Nam sẽ như thế nào sau khi TPP có hiệu lực?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, việc đàm phán về quy tắc xuất xứ ô tô ở vòng đàm phán cuối rất căng thẳng. Đây là một trong những vấn đề khiến hội nghị Bộ trưởng ở Hawaii đổ vỡ bởi một số nước mong muốn đưa ra quy tắc xuất xứ chặt chẽ cho phụ tùng ô tô, ô tô. Với quy tắc xuất xứ chặt chẽ dẫn tới việc có khả năng sản xuất phụ tùng ô tô sẽ dịch chuyển từ bên ngoài vào bên trong nội bộ các nước TPP. Việt Nam là nước tham gia vào TPP không loại trừ khả năng có các cơ sở sản xuất phụ tùng ô tô ở Việt Nam. “Điều đó phụ thuộc vào mức thuế cam kết như thế nào. Chỉ khi nào cam kết được công bố thì lúc đó mới có thể phân tích kỹ hơn”, ông Khánh cho hay.
Còn ô tô nguyên chiếc sẽ giảm thuế nhập khẩu nhưng ông Khánh cho rằng, tốc độ giảm thuế sẽ có sự khác nhau theo từng chủng loại, dung tích xilanh. Muốn phân tích tác động từng phân khúc như thế nào thì còn phải chờ nội dung cam kết.
Ngành dược phẩm cũng được coi là ngành bị tác động lớn từ TPP. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm dược không cao bởi quan điểm của chúng ta là duy trì thuế nhập khẩu thấp để người dân có thể tiếp cận thuốc chữa bệnh giá thấp. Chính vì vậy, ông Khánh cho rằng, việc xóa bỏ thuế sẽ không mang tác động lớn đến doanh nghiệp dược trong nước bởi từ xưa đến nay các doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài với mức thuế nhập khẩu thấp.
“Trong TPP, yêu cầu bảo hộ cao với sản phẩm dược phẩm. Hiện kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng tôi khẳng định, Việt Nam có lộ trình để thực hiện tiêu chuẩn cao đó phù hợp với trình độ, năng lực thực thi của Việt Nam”, Vị Thứ trưởng này nói.
Lo cho bộ máy Nhà nước
Dự họp báo về TPP tại Bộ Công Thương, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, tham gia TPP, chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, sức mạnh trên chiến trường. “Thách thức là sức ép trực tiếp nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào phản ứng của chúng ta. Nếu không nhấn mạnh điều này thì sẽ vỡ mộng, hoặc bi quan quá mức”, ông Tuyển nói.
Theo phân tích của vị chuyên gia này, TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. “Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm”, ông Tuyển bày tỏ.
Hiện nay có quá nhiều số liệu cho rằng xuất khẩu tăng, GDP tăng bao nhiêu nhờ TPP, điều đó có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ như thế nào. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói.
Theo ông Tuyển, ngày nay, chúng ta sống trong cảm xúc quá nhiều, giống như WTO đã từng tạo ra trào lưu cảm xúc, tổ chức một cuộc đi bộ. Chúng ta thắng một trận đá bóng thì tâng lên tận mây xanh, nhưng thua một trận thì xuống hết cỡ. Phải hết sức bình tĩnh, không nên sống nhiều quá vào cảm xúc!
Nói về lo ngại nhập siêu khi tham gia TPP, ông Khánh cho rằng, Việt Nam đều đang xuất siêu sang các nước lớn trong TPP như Mỹ, Nhật Bản, Australia… và có cơ cấu bổ sung nhiều hơn nên xuất khẩu sẽ tăng hơn nhập khẩu. Do đó, không có cơ sở cho rằng tham gia TPP thì nhập siêu sẽ xấu đi.
Còn theo ông Tuyển, cơ hội của xuất khẩu khi Việt Nam vào TPP là có nhưng quan trọng có tận dụng được hay không. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng không phải xấu.
“Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần 2006. Vốn đăng ký mạnh hơn thì họ phải triển khai dự án và lúc đó nhập siêu có thể tăng. Ví dụ như đầu tư nhà máy dệt thì ban đầu phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nên phần nhập về phải tăng lên lúc đầu. Sau này, nếu phát triển sản xuất thì tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên", ông Tuyển dẫn chứng.