Hàng hóa dồi dào
Sở Công Thương TP HCM cho biết, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố trong dịp Tết chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: các DN tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT), chiếm từ 30% - 40% thị phần. Đối với nguồn hàng này, Sở Công Thương đang phối hợp với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn (Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang,...) nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết. Đồng thời phối hợp các sở, ngành, làm việc với các DN chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tổ chức Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa từ ngày 22 đến 23/11/2018 để tìm kiếm, bổ sung nguồn hàng phục vụ người tiêu dùng thành phố.
Bên cạnh nguồn hàng từ các DN BOTT, các chợ đầu mối (rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) trên địa bàn thành phố sẽ chiếm 60% - 70% thị phần cung ứng. Hiện lượng hàng hóa nhập các chợ đầu mối đạt bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Ngoài hai nguồn cung ứng chính nêu trên các DN khác chiếm 10% - 20% thị phần hàng hóa của thị trường Tết. Hiện các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường.
Đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, Sở Công Thương dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn. Bên cạnh đó, thành phố dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 đến 700.000 chậu mai, 250.000 đến 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng...
Theo thông tin ghi nhận từ phía DN, để chuẩn bị cho thị trường Tết, các DN BOTT đã tăng công suất sản xuất 10% - 30% so với ngày thường, đặc biệt là tăng sản phẩm thường sử dụng nhiều trong ngày Tết cổ truyền.
Trong đó, Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã dành khoảng 800 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết với sản lượng thực phẩm từ tăng 15% - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thực phẩm tươi sống khoảng 3.200 tấn, thực phẩm công nghệ khoảng 2.800 tấn.
Theo thông tin từ Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, công ty sẽ cung ứng trên 3 triệu quả trứng gà và 1,7 triệu quả trứng vịt/tháng Tết. Ngoài sản lượng hàng Tết tham gia BOTT, khi có đột biến về nguồn hàng thiếu hụt, công ty có thể cung cấp thêm 1 triệu quả trứng gia cầm để ổn định thị trường.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, dịp tết Kỷ Hợi 2019, công ty sẽ sản xuất mặt hàng trứng gia cầm tăng 20% - 30% so với ngày thường. Những ngày trước và sau Tết sẽ đưa ra thị trường khoảng 1 triệu quả trứng/ngày, cao điểm có thể 1,5 triệu quả/ngày, còn thịt cung ứng khoảng 20 - 30 tấn/ngày.
Về mặt hàng rau, củ quả, ông Trần Quang Chánh, Giám đốc Hợp tác xã NN-TM-DV Phú Lộc cho hay, trước và sau tết Nguyên đán, hợp tác xã sẽ tăng sản xuất nhiều hơn so với tháng thường, dự kiến có 600 tấn rau lá, củ quả tham gia BOTT. Trung bình những ngày cận Tết hợp tác xã sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn rau/ngày.
Giá cả ổn định
Theo thông tin từ Sở Công Thương, các DN tham gia Chương trình BOTT cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Dự kiến giá một số mặt hàng nhạy cảm trong dịp Tết như bia giá bán lẻ sẽ dao động từ 325.000 đến 392.000 đồng/thùng tùy thương hiệu. Các mặt hàng nước ngọt, giá bán lẻ dao động từ 209.000 đến 214.000 đồng/thùng tùy thương hiệu.
Ngoài ra, để đảm bảo hàng hóa Tết đến tay người tiêu dùng với mức giá tốt nhất, các DN sẽ tăng cường thực hiện bán hàng lưu động đến vùng sâu, xa, các KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty đông công nhân... Từ nay đến Tết, các DN trên địa bàn thành phố thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng; riêng 2 tháng cao điểm Tết, thực hiện 344 chuyến.
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các DN trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo,... Đồng thời, các hệ thống phân phối lớn như: Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% đến 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt...
Theo Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng chuẩn bị cho mùa tết Kỷ Hợi 2019 tăng từ 13,2% đến 16,9% so với kế hoạch thành phố giao và tăng từ 23% đến 36% so với kết quả thực hiện tết Mậu Tuất 2018. Tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị tết Mậu Tuất 2018. Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng BOTT là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng, trong đó, hàng BOTT là 4.211,8 tỷ đồng. |