Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế tại các cơ quan nhà nước, tổ chức của Đảng, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội đặt ra mục tiêu đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Theo ông, liệu mục tiêu này có đạt được? Nếu năm 2015 có tổng cộng 277.741 biên chế (không bao gồm lực lượng quốc phòng, an ninh và cấp xã), giảm khoảng 6.700 người so với năm 2014, thì đến năm 2019 chỉ còn 259.598 người. Năm 2020, số biến chế này giảm xuống chỉ còn 253.517 người. Như vậy, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, số biên chế cơ quan hành chính nhà nước từ cấp huyện trở lên đã giảm được 24.224 người, tức là đã giảm được gần 9%. Năm 2021, nếu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế như những năm vừa qua thì chắc chắn đạt mục tiêu giảm tối thiểu 10% so với năm 2015. Tuy nhiên, số biên chế trong cơ quan hành chính ít hơn rất nhiều so với công chức xã, người làm việc ở thôn xóm, tổ dân phố được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước và biên chế trong các đơn vị sự nghiệp mới lớn gấp nhiều lần số người làm việc ở cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, vấn đề là phải giảm mạnh công chức xã, số người làm việc ở thôn xóm, tổ dân phố và viên chức nhà nước. Việc giảm số người hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở cấp xã, thôn, xóm và trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có xu hướng cải thiện mạnh mẽ, thưa ông? Việc sáp nhập các đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí trong giai đoạn 2019-2021 đang được thực hiện rất quyết liệt theo tinh thần Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các địa phương cũng rất quyết liệt trong việc sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố không đủ tiêu chí, nên số công chức xã và số “cán bộ” thôn xóm, tổ dân phố đang được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước sẽ giảm mạnh trong thời gian tới. Việc giảm biên chế ở các đơn vị sự nghiệp công lập cũng được thực hiện quyết liệt. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, tinh giản biên chế được thực hiện kiểu cào bằng, máy móc. Cụ thể, căn cứ vào tinh thần tinh giản biên chế, hàng năm, các bộ, ngành, địa phương đặt ra mục tiêu phải giảm biên chế bao nhiêu phần trăm một cách máy móc, cơ học. Cách tinh giản cơ học đối với đơn vị sự nghiệp công lập và ngay cả với nhiều cơ quan nhà nước cũng không phù hợp. Đơn cử với ngành tòa án, viện kiểm sát mà cứ áp đặt phải giảm 10% biên chế, thì áp lực đặt lên ngành này trong việc điều tra, truy tố, xét xử vô cùng lớn. Lý do là, cùng với sự gia tăng dân số, sự phát triển của xã hội, số vụ án cả hình sự, hành chính và kinh tếgia tăng hằng năm, nếu tinh giản biên chế mà đòi hỏi xử đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan sai và không xử oan người vô tội là điều vô cùng khó khăn. Nhưng quan điểm chung là tinh giản biên chế không có ngoại lệ, thưa ông? Nghị quyết 39-NQ/TW không chỉ quy định về tinh giản biên chế, mà còn quy định về cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cơ cấu lại có nghĩa là có đơn vị giảm biên chế nhiều, có đơn vị giảm ít, có đơn vị không giảm, thậm chí có đơn vị phải tăng biên chế, nhưng là biên chế làm việc, chứ không phải biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Với đơn vị sự nghiệp, ngoài Nghị quyết 39-NQ/TW, còn phải thực hiện cả Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập phải đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ, bảo đảm tinh gọn, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, giảm mạnh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức ở đơn vị sự nghiệp công lập. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; năm 2025 giảm tối thiểu 10% so với năm 2021 và năm 2030 giảm tối thiểu 10% so với năm 2025. Như vậy, đối với đơn vị sự nghiệp là giảm 10% số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chứ không phải là giảm biên chế 10%. Nhưng ở nhiều nơi, giảm biên chế đối với đơn vị sự nghiệp như cơ quan hành chính, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là giảm “cứng” 10%. Nếu vậy thì làm sao thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết 19-NQ/TW là đơn vị sự nghiệp phải giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Vậy theo ông phải làm sao? Tôi lấy lĩnh vực y tế làm ví dụ. Với y tế dự phòng, y tế tuyến huyện không những không giảm biên chế, mà có thể tăng, dù viên chức làm việc ở những đơn sự nghiệp này được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Để giảm biên chế trong lĩnh vực y tế, thì khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh có điều kiện đang sử dụng ngân sách nhà nước chuyển sang tự chủ một phần chi thường xuyên và tiến tới tự chủ 100% chi thường xuyên, thậm chí cả tự chủ trong chi đầu tư. Với những đơn vị tự chủ chi thường xuyên, trong đó chủ yếu là chi lương cho nhân viên y tế, thì số viên chức này được tính là đã tinh giản. Đơn vị tự chủ có thể tăng biên chế làm việc tùy theo nhu cầu và khả năng cạnh tranh với khu vực tư nhân trong việc cung cấp dịch vụ công, nhưng số biên chế tăng thêm này không được tính là ngành y tăng biên chế. Hiện có 23 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã bảo đảm được 100% chi thường xuyên. Theo đó, khoảng 25.360 nhân viên y tế không còn hưởng lương từ ngân sách, mỗi năm ngân sách nhà nước giảm được 2.127 tỷ đồng. Số này phải được tính là số biên chế đã giảm được. |