| Bộ Tài chính đối thoại chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp năm 2023. Ảnh: TL |
PV:Thưa ông, năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đã đồng hành cùng Chính phủ vượt qua thách thức, đạt được những thành quả kinh tế đáng ghi nhận. Với khí thế này, ông có thể chia sẻ đôi điều với bạn đọc TBTCVN nhân dịp đón xuân mới? Ông Phạm Tấn Công:Covid-19 là cú "động đất" kinh hoàng trên toàn cầu, sau đó chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lần đầu tiên chỉ số xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm so với năm trước. Khó khăn trong năm 2023 rất lớn, đầy thách thức, do tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, địa chính trị, xung đột ở một số quốc gia. Trong bối cảnh đó, doanh nhân, DN Việt Nam đã nỗ lực hết mình đồng hành cùng Chính phủ. Doanh nhân, DN Việt Nam - đại diện cho phẩm chất của người Việt, đề cao “chữ Nhẫn”, kiên trì, nhẫn nại từng bước vượt qua khó khăn, thách thức của đất nước sau dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay. Trong nhiều lĩnh vực, doanh nhân, DN đã nỗ lực, sáng tạo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động. Nhờ vậy đến nay, một số chỉ tiêu kinh tế của nước ta có thể không đạt mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đề ra nhưng tổng thể nền kinh tế vẫn ổn định, người lao động có việc làm, thu nhập được duy trì, tạo đà bước vào năm 2024. Trong thành quả “bức tranh" chung này, DN, doanh nhân Việt Nam đã góp phần vào thành công chung của Chính phủ trong quá trình vận hành nền kinh tế quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối vĩ mô, không xảy ra khủng hoảng kinh tế. Điểm sáng là trong bối cảnh nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế suy thoái, trong khi đó Việt Nam vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội được đảm bảo. PV:Sự phục hồi và tăng trưởng của DN đạt được trong thời gian qua nhờ có trợ lực từ chính sách tài khóa của Quốc hội và Chính phủ ban hành. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả từ các chính sách này, đặc biệt là chính sách giãn, giảm thuế? Ông Phạm Tấn Công:Chính sách tài khóa được Bộ Tài chính chủ động tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành đã tác động tích cực, hiệu quả đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN, trợ giúp DN vượt qua khó khăn hiện tại. Cộng đồng DN đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính và mong muốn nỗ lực hơn nữa những năm tiếp theo để cộng đồng DN duy trì được tăng trưởng, phát triển được thị phần mới đối với hàng xuất khẩu. PV:Năm 2024 được dự báo vẫn có nhiều thách thức. VCCI có đề xuất gì với Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc quan tâm đến cộng đồng DN, tiếp tục hỗ trợ DN phát triển? Ông Phạm Tấn Công:Năm 2024, nhiều DN đánh giá là khó khăn hơn cả thời điểm dịch Covid-19. Vì vậy, đối với chính sách tài khóa, cộng đồng DN tiếp tục mong muốn các chính sách được Quốc hội thông qua triển khai nhanh vào thực tế cuộc sống trong giai đoạn DN phải đối mặt với khó khăn vô cùng lớn hiện nay. VCCI mong muốn cơ quan chức năng vận hành chính sách kịp thời nhanh chóng ngay từ đầu năm 2024, bắt đầu từ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT), tạo cho sức mua trên thị trường sôi động, DN có đầu ra cho sản xuất, kinh doanh. Đây là một chính sách rất quan trọng và tích cực để kích cầu trong nước, hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thuế GTGT để DN có nguồn lực tái tạo sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Chúng tôi đánh giá rất cao việc Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan đẩy mạnh số hóa hoạt động thu thuế, thông quan hàng hóa đảm bảo hiệu quả, giảm thủ tục hành chính. PV: VCCI và Bộ Tài chính luôn có sự hợp tác tương hỗ với mục tiêu tạo thuận lợi vì sự phát triển của DN. Với vai trò là Chủ tịch VCCI, ông có thể chia sẻ thêm về sự đồng hành này? Ông Phạm Tấn Công:Sự đồng hành giữa Bộ Tài chính và VCCI là sự đồng hành rất tuyệt vời, rất hiệu quả mà đối tượng hưởng lợi là DN. VCCI và Bộ Tài chính đã cùng nhau hợp tác tổ chức các chương trình khảo sát, hội nghị đối thoại thuế - hải quan hàng năm nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn cho DN. Chương trình này đã được thực hiện trong nhiều năm qua và phát huy hiệu quả thiết thực. Chúng tôi đánh giá rất cao việc Bộ Tài chính luôn đồng hành với VCCI trong việc tiếp thu kiến nghị của cộng đồng DN, đặc biệt là chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Năm 2024, chúng tôi cho rằng tình hình kinh tế và kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. DN vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và Bộ Tài chính. Cộng đồng DN kỳ vọng ngành Tài chính sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện chương trình giảm thuế GTGT và tập trung tháo gỡ các khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình này. Mong Bộ Tài chính trình Chính phủ tiếp tục triển khai các chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ tài chính khác cho doanh nghiệp trong năm 2024; tiếp tục thực hiện các chương trình cải cách hành chính, số hóa ngành Thuế, Hải quan để giảm chi phí thời gian cho DN và người dân. Trong việc áp dụng chuyển đổi số, có lộ trình để nhiều DN và người dân có thể áp dụng phù hợp, hiệu quả. PV: Xin cảm ơn ông! Doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hưng thịnh Ngày 10/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết 41-NQ/TW (Nghị quyết 41) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới. Mục tiêu Nghị quyết 41 đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. |
|