当前位置:首页 > Cúp C2

【lịch sử đối đầu việt nam và indonesia】Đầu tư công là “vốn mồi” kích thích phục hồi kinh tế

Đầu tư công là “vốn mồi” kích thích phục hồi kinh tế

PV:Thưa ông, gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế đang rất được quan tâm, thảo luận những ngày đầu năm, với nhiều ý kiến đa chiều. Quan điểm của ông về gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế này thế nào?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Đến thời điểm này, quan điểm được thống nhất là gói hỗ trợ là rất cần thiết để phục hồi và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng. Nếu cứ để bình thường thì kinh tế cũng sẽ dần phục hồi, nhưng có gói hỗ trợ thì sự phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng cao hơn.

Đầu tư công là “vốn mồi” kích thích phục hồi kinh tế
TS. Nguyễn Đức Kiên

Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cũng khác nhau về gói này. Một số ý kiến nói là hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp. Một số khác thì cho rằng nên hỗ trợ qua dự án đầu tư công, ý kiến khác đề xuất hỗ trợ thông qua ngân hàng cho vay. Theo tôi, điều quan trọng là cần phải dự báo được tác động của các gói hỗ trợ tới tăng trưởng, tới nền kinh tế và phải lường cả tổn thất nếu có. Không thể cứ nhìn thế giới họ đưa ra hỗ trợ 20% GDP, 30% GDP và nói Việt Nam cũng nên làm thế. Nếu chỉ tung ra các gói hỗ trợ quy mô lớn theo cách các nước đã làm mà không tính đến tác động của nó thì là cách làm “ném tiền qua cửa sổ” mà không biết nó đi đâu.

Về quy mô và nguồn lực của gói hỗ trợ, tôi cho rằng cần hiểu gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế không chỉ trông chờ vào Nhà nước mà phải tính tất cả con số người dân, doanh nghiệp, hệ thống tín dụng và ngân sách nhà nước đã đưa vào nền kinh tế. Đơn cử như, trong năm 2021, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành đã lên tới hơn 200 nghìn tỷ đồng. Vậy chúng ta có tính con số này trong gói phục vụ cho phát triển hay không?

Điều tôi muốn nhấn mạnh nữa phải có sự kết hợp hài hòa giữa chính sách tài chính - tài khóa và chính sách tiền tệ. Cũng có ý kiến đề xuất cho các ngân hàng thương mại hạ dự trữ bắt buộc xuống 0,5% để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Theo tôi để phục hồi nền kinh tế, chính sách tài khóa phải đi trước một bước. Còn chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ cho chính sách tài khóa để giữ được ổn định vĩ mô.

PV:Gói chính sách hỗ trợ đưa ra tập trung khá lớn vào đầu tư công. Ông bình luận gì về điều này?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Gói hỗ trợ thiết kế thế nào phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế và khả năng chọn điểm hấp thụ của Chính phủ. Chúng ta phải xác định hỗ trợ qua đầu tư công chứ không hỗ trợ qua doanh nghiệp. Đây là một quan điểm tương đối mới của gói này. Đây là phương thức hỗ trợ để chú trọng đến hiệu quả và chất lượng của vốn đầu tư chứ không hỗ trợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp sống bằng mọi giá. Đây là nhận thức về kinh tế và đòi hỏi cả xã hội phải chuyển đổi.

Tất nhiên, việc dùng vốn đầu tư từ ngân sách như thế nào cần đặt trong một tầm nhìn chiến lược dài hạn. Đơn cử như xây dựng đường sắt tốc độ cao là cần thiết đối với sự phát triển của đất nước và tại thời điểm này cần tiếp cận vấn đề ở một tư duy mới. Vốn đầu tư nhà nước sẽ là vốn mồi thu hút các doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện, đủ năng lực tài chính tham gia các dự án thành phần. Chính phủ sẽ định hướng những hạng mục nào mua của doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp tự liên kết với nhau để đáp ứng đơn đặt hàng của Chính phủ.

Bây giờ cứ cân đong đo đếm từng đồng mà không đặt trong tầm nhìn chiến lược là sẽ “kẹt”. Đối với những dự án quan trọng của quốc gia, sớm hay muộn cũng phải xây dựng thì tại sao không đặt vấn đề: chậm đầu tư sẽ làm chậm lại quá trình phát triển của đất nước.

Sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng dù còn nhiều ý kiến khác nhau thì Chính phủ, Quốc hội vẫn phải quyết định, trước những đòi hỏi cả trước mắt và cả trong tầm nhìn chiến lược dài hạn, phải đặt các dự án lên bàn cờ địa chính trị khu vực, thế giới...

PV: Tuy nhiên, việc triển khai giải ngân đầu tư công năm vừa qua khá chậm trễ, vậy tập trung thêm vào đầu tư công liệu có là giải pháp hiệu quả?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Để đẩy nhanh hồi phục kinh tế thì trọng tâm vẫn là đầu tư, đầu tư và đầu tư. Đầu tư vẫn đóng vai trò quan trọng trong phục hồi kinh tế. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm, tạo ra tăng trưởng, tạo ra kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…

Đầu tư công năm vừa qua chậm trễ là đặt trong điều kiện cả nước lo phòng chống dịch, phong tỏa, giãn cách kéo dài, nên khó khăn cho mọi hoạt động kinh tế, không chỉ đầu tư công. Nếu trừ đi thời gian giãn cách, thì kết quả giải ngân đầu tư công năm nay cũng không phải là thấp.

Với năm 2022 và những năm tiếp theo, đầu tư công phải thể hiện được đúng quan điểm là đầu tư để tạo ra cú hích, lôi kéo đầu tư của các thành phần kinh tế khác. Đầu tư công vẫn phải tập trung vào hạ tầng bao gồm hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống kết cấu năng lượng và hệ thống kết cấu hạ tầng để phục vụ nông nghiệp cũng như hạ tầng công nghệ số. Trong một số ngành và lĩnh vực cần đầu tư công làm trước, còn lại là huy động các thành phần kinh tế khác tham gia vào.

PV: Với bối cảnh và tình hình như hiện nay, ông có dự báo thế nào về tăng trưởng kinh tế năm 2022?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Năm 2022 này sẽ có điều kiện giống như năm 2021, đó là bất định, là chưa biết biến chủng virus mới tác động tới thế giới thế nào. Xu thế hạn chế giao thương, tụ tập đông người trên thế giới vẫn là chủ đạo và chưa biết được thế giới giữ xu thế này bao lâu. Không ai dám nói sẽ không xuất hiện biến chủng virus mới. Đó là điều rủi ro lớn nhất không biết có xảy ra hay không.

Cá nhân tôi không quan tâm nhiều đến con số tăng trưởng. Điều tôi quan tâm là cơ cấu nền kinh tế ra sao, có chuyển kịp với tình hình không và chất lượng tăng trưởng thế nào. Bởi tăng trưởng mà người dân không hưởng lợi từ tăng trưởng đó thì tăng trưởng có nghĩa lý gì. Tăng trưởng mà phụ thuộc nhiều ở FDI thì đóng góp cho đất nước không nhiều. Điều Chính phủ mong muốn là gắn với tăng trưởng cao là giao thông thuận lợi hơn, chất lượng y tế và giáo dục được nâng cao.

Ngay như nhìn vào xuất khẩu năm 2021 tăng cao nhưng 73% trong đó là từ khu vực FDI. Con số 73% này làm chúng tôi không vui. Chúng tôi muốn doanh nghiệp Việt Nam ít nhất phải chiếm tới 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giá trị gia tăng cao hơn. Chúng tôi không muốn để có tăng trưởng cao mà các công nhân phải làm thêm 300 - 400 giờ một năm. Chúng tôi muốn làm sao mỗi ngày các công nhân có thể chỉ làm việc 7 tiếng nhưng thu nhập vẫn thế, thậm chí cao hơn.

Năm 2022 phải là năm thay đổi nhận thức từ phong trào, số lượng, chuyển sang hiệu quả. Hay nói cách khác 2022 là năm hành động vì mục tiêu hiệu quả của nền kinh tế. Giải pháp chúng ta đã nói nhiều, giờ là lúc hành động, hành động hướng đến mục tiêu hiệu quả của nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phải dự báo được tác động của gói hỗ trợ tới tăng trưởng

“Theo tôi, điều quan trọng là cần phải dự báo được tác động của các gói hỗ trợ tới tăng trưởng, tới nền kinh tế và phải lường cả tổn thất nếu có. Không thể cứ nhìn thế giới họ đưa ra hỗ trợ 20% GDP, 30% GDP và nói Việt Nam cũng nên làm thế. Nếu chỉ tung ra các gói hỗ trợ quy mô lớn theo cách các nước đã làm mà không tính đến tác động của nó thì là cách làm “ném tiền qua cửa sổ” mà không biết nó đi đâu” - TS. Nguyễn Đức Kiên nói.

分享到: