Giày dép đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA | |
Xuất khẩu da giày khởi đầu tích cực |
Ảnh minh họa. Ảnh: Nguyễn Hiền |
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam tăng gần như liên tục qua các năm, chỉ bị giảm trong năm 2009 do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, từ năm 1998, giày dép bắt đầu tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng “ghi danh” trong nhóm có kim ngạch cao. Kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt trên 2 tỷ USD vào năm 2003, trên 5 tỷ USD vào năm 2010, trên 10 tỷ USD vào năm 2014. Với trên 20 tỷ USD, đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam đã cao gấp 2.164,8 lần năm 1986.
Bước sang 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta ghi nhận tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 7,3 tỷ USD. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết: giày dép của Việt Nam có thị trường rộng lớn, đã hiện diện ở 44 thị trường chủ yếu. Trong đó, năm 2021, có hơn 20 thị trường đạt trị giá xuất khẩu trên 100 triệu USD như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc... 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường tăng mạnh gồm: Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Thụy Điển…
Bộ Công Thương nhận định, ngành giày dép trong nước đã tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu.
Điển hình như, giày dép có tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam là 9,25 tỷ USD, giảm nhẹ 2,78% so với năm 2020. Thậm chí, đối với một số thị trường, tỷ lệ này đạt 100%, tức là 100% các lô hàng xuất khẩu đều sử dụng C/O ưu đãi.
Tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, nước ta đã tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19 ở mức cao (thuộc “top” đầu thế giới) nên hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu giày dép nói riêng có thêm trợ lực để tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2022, toàn ngành da giày đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 23-25 tỷ USD, tăng 10-15% so với năm 2021.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, cơ hội gia tăng xuất khẩu, cải thiện tăng trưởng của da giày Việt Nam trong năm 2022 là có nhưng không dễ. Chi phí nguyên liệu đầu vào, logistics tăng quá cao đang là rào cản lớn khiến nhà nhập khẩu có thể dịch chuyển đơn hàng sản xuất về gần thị trường tiêu thụ nhằm giảm chi phí.
Bà Xuân cho rằng, thời gian tới cần rà soát các chính sách bất cập gây hạn chế hoạt động sản xuất, xuất khẩu; nghiên cứu ban hành chính sách mới, tập trung vào chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng được các FTA để gia tăng xuất khẩu.
"Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao hệ thống cơ sở hạ tầng, logistics; có chiến lược phát triển tốt hơn về đầu tư nguyên phụ liệu, thu hút tín dụng để phát triển cụm công nghiệp, khu công nghiệp; đầu tư phát triển chiều sâu, nghiên cứu phát triển thiết kế mẫu mã và nguyên liệu mới...", bà Xuân nói.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành giày dép. Ngành giày dép thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài nhờ lợi thế nguồn lao động đông đảo, giá nhân công rẻ so với các nước trong khu vực. |